Huyện Hương Khê quyết tâm xóa nhà tạm, phát triển sản xuất

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã quan tâm thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện. Các cơ quan, phòng, ngành, địa phương phối hợp kêu gọi huy động, vận động các nguồn lực; hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng nhà ở cho các đối tượng theo quy định.

Đến nay, toàn huyện có 293 hộ được hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo là 204 nhà; người có công, thân nhân liệt sĩ là 89 nhà.

Huyện Hương Khê đã khởi công 290/293 nhà, đạt 99%; có 42/293 nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng; các nhà còn lại đang giai đoạn hoàn thiện. Toàn huyện cũng đã huy động được trên 2,68 tỷ đồng; 8.000 viên gạch xây, 100m2 gạch lát, 28 tấn xi măng; trên 1.500 ngày công để hỗ trợ thực hiện chương trình.

Ngoài chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, lãnh đạo UBND huyện Hương Khê cũng chú trọng, quan tâm đến phát triển, tiến độ sản xuất vụ xuân ở một số địa phương.

Về sản xuất vụ xuân, tổng diện tích gieo cấy lúa đạt 3.758 ha (đạt 100% kế hoạch), ngô 1.669ha (đạt 101% KH), lạc 497 ha, khoai lang 119,5 ha, rau 420 ha; Cây ăn quả (Bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây) sinh trưởng, phát triển tốt, người dân đang chăm sóc, bảo vệ quả non.

Đặc biệt, có 34 hộ dân xã Hương Xuân liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sản xuất thử nghiệm 5ha cây dứa Queen, bước đầu, cây dứa sinh trưởng, phát triển tốt, một số diện tích dứa đã ra hoa.

Mô hình liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm (2 mô hình). Các mô hình phát triển sản xuất cây, con chủ lực tiếp tục phát huy hiệu quả như mô hình chăn nuôi lợn quy mô từ 300 con/lưa trở lên (20 mô hình), gà liên kết quy mô 500 con/lứa trở lên (21 mô hình), mô hình chăn nuôi dê trên 200 con tại Hương Trà; mô hình chăn nuôi trâu gần 200 con tại Hương Vĩnh; mô hình nuôi cá tầm tại Phú Gia; trồng sâm bổ chính tại Hương Xuân,…

Ông Thái Phúc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư kịp thời tham gia đóng góp ngày công để hỗ trợ các hộ nghèo, người có công; cảm ơn lực lượng quân sự, biên phòng trực tiếp hỗ trợ ngày công xây dựng các gia đình khó khăn, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chung trên địa bàn.

Chủ tịch huyện Hương Khê cho biết, các hộ dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình nông nghiệp có quy mô, bài bản; trong đó một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cần có đánh giá hiệu quả để nhân rộng trong thời gian tới. Riêng mô hình trồng dứa liên kết bước đầu cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Cây trồng vụ xuân nhìn chung đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Thái Phúc Sơn cũng đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình các loại sâu bệnh hại trên cây trồng; kịp thời hướng dẫn; phân công cán bộ, viên chức trực tiếp xuống đồng nhằm sớm phát hiện và hướng dẫn kịp thời cho người dân phun phòng đầy đủ các dịch, bệnh gây hại; không để dịch hại lây lan diện rộng, khó kiểm soát; phối hợp với công ty thủy lợi thực hiện việc tưới tiêu đồng rộng, đảm bảo không để tình trạng khô hạn, thiếu nước.

Đặc biệt, hiện nay, dịch đạo ôn cổ bông trên cây lúa và dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, do đó, cán bộ chuyên môn phải bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn, đôn đốc bà con nông dân chủ động trong công tác phát hiện và triển khai phòng trừ; đảm bảo 100% diện tích lúa trên địa bàn được phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi trổ.

Phương Dung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/huyen-huong-khe-quyet-tam-xoa-nha-tam-phat-trien-san-xuat-2392366.html