Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên vươn mình
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình với một tâm thế mới. Trên hành trình ấy chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thử thách. Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh cụ thể, mỗi công việc cụ thể sẽ là điểm tựa vững chắc.
Chủ động, tích cực hội nhập
Toàn cầu hóa là xu thế khách quan, Việt Nam đã và đang ở thế chủ động, tích cực, hội nhập vừa sâu rộng vừa toàn diện. Điều đó tạo nền tảng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong kỷ nguyên phát triển mới.

Bác Hồ thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng, ngày 30/5/1957 (ảnh tư liệu).
Thế giới biến chuyển nhanh hơn, sâu sắc hơn cả về tự nhiên và xã hội. Cùng với sự chuyển dịch sâu sắc về mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, nhất là tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới đang định hình và xác lập một trật tự mới.
Nếu không có bản lĩnh, trí tuệ vượt bậc, Việt Nam rất khó định vị đất nước ở vào vị trí ưu thế quốc tế. Yêu cầu đầu tiên là nội lực phải mạnh. Không có nội lực mạnh, Việt Nam rất khó đóng góp cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Khi đề cập thực hiện một công việc nào đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khó hay dễ đều là do con người ta quan niệm, nếu cho nó khó thì cảm thấy khó, nếu cho nó dễ thì dễ. Nhưng việc khó đến mấy, nếu quyết tâm, bền bỉ, có tâm, có trí thì đều thực hiện được hết.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải phù hợp với hoàn cảnh, từng lúc và từng nơi, nghĩa là có yêu cầu cao về hiệu quả của việc học tập và vận dụng.
Cuộc sống vận động không ngừng, cho nên phải có tinh thần đổi mới sáng tạo trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào thực tế của từng người, từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, cần chú ý thêm một số nội dung.
Một là, phải có quan điểm kế thừa và phát triển. Kế thừa là tiếp nối những cái tốt, cái hay, cái đẹp lên mức độ mới trong tình hình mới. Đồng thời, sửa chữa, cắt bỏ những cái lạc hậu, lực cản trong con đường phát triển. Khoa học và công nghệ chính là "cú hích" quan trọng cho quá trình đó.
Hai là, ứng dụng có hiệu quả những thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống.
Kỷ nguyên số đặt ra nhiều yêu cầu về năng lực và kiến thức, kỹ năng. Làm sao để có một thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ, vừa có đức vừa có tài, có ích cho đất nước là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Kết quả thực tế là thước đo
Một đất nước Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là khát vọng cháy bỏng của người Việt Nam yêu nước.
Để biến khát vọng thành hành động, cần có quyết tâm chính trị cao. Đồng thời, phải thể hiện bằng hành động; nói đi đôi với làm; lý luận gắn với thực tế, học đi đôi với hành.
Hiện nay, càng cần phải chú ý khắc phục bốn biểu hiện: Nói nhiều nhưng làm ít; Nói thì hay nhưng làm thì dở; Nói mà không làm; Nói một đằng làm một nẻo.
Quyết tâm phải đi liền với chương trình, kế hoạch hành động thiết thực như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Quyết tâm mười phần thì kế hoạch phải hai mươi phần, chớ đem chủ quan của mình áp vào bắt thực tế phải theo, như "đẽo chân cho vừa giày".
Có nghị quyết đúng rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Có quyết tâm cũng rất cần nhưng cần hơn là sau những yếu tố đó là kế hoạch thiết thực, tỉ mỉ, có khả năng thực thi, có tổ chức thật sự phù hợp, có sự dốc lòng, dốc sức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Kết quả thực tế trên từng lĩnh vực, ở tất cả các cấp, các ngành là thước đo chính xác nhất để biến khát vọng của đất nước thành hiện thực. Tăng trưởng kinh tế rất cần thiết, nhưng cần hơn là phát triển bền vững. Kinh tế phải dựa trên nền văn hóa.
Kết hợp nội lực với ngoại lực
Sự phồn vinh, hạnh phúc của cả đất nước thể hiện ở những chỉ số tổng hợp, trong đó có cả sự bình an, ở chủ quyền quốc gia, ở một xã hội lành mạnh, ở quan hệ quốc tế trong sáng, ở kết quả của quá trình phấn đấu đạt mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tinh thần giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc. Gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện hơn, đã đề ra đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, là đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế cùng phát triển.
Điều cần quan tâm là hợp tác quốc tế phải trên cơ sở kết hợp nội lực với ngoại lực; hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, các bên cùng có lợi, giải quyết các mối quan hệ theo các công ước quốc tế, không dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực.
Tinh thần biện chứng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thấy rõ: Ý chí tự lực, tự cường không đồng nghĩa với chủ quan, duy ý chí, mà là sự kết tinh của bản lĩnh chính trị trên cơ sở nhãn quan đúng đắn về thời cuộc, biết mình, biết người, có tinh thần chủ động và ý chí lớn lao để hành động một cách phù hợp.
Tự lực, tự cường không có nghĩa là đóng cửa, tự cô lập mình, đồng thời cũng không bao giờ được phép ỷ lại sự giúp đỡ của các nước khác, không đánh mất chính mình.
Chỉ có tự lực, tự cường theo tinh thần "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" thì đất nước mới phát triển một cách bền vững được.
Để biến khát vọng của đất nước thành hành động, cần chú trọng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, luôn nhất quán coi nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng.
Đó cũng là sự quán triệt một cách đầy đủ và sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta với tư duy và hành động cách mạng trong suốt quá trình phát triển của dân tộc.