Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phát triển sản xuất vùng dân tộc thiểu số

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ, đồng bào các dân tộc huyện Kim Bôi nỗ lực phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, toàn diện. Cơ sở hạ tầng được xây dựng theo hướng kiên cố và từng bước hiện đại. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy. Đời sống đồng bào được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi đổi thay. Quốc phòng - an ninh được được đảm bảo.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ, đồng bào các dân tộc huyện Kim Bôi nỗ lực phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, toàn diện. Cơ sở hạ tầng được xây dựng theo hướng kiên cố và từng bước hiện đại. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy. Đời sống đồng bào được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi đổi thay. Quốc phòng - an ninh được được đảm bảo.

 Người dân xã Nuông Dăm (Kim Bôi) được hỗ trợ thực hiện dự án trồng cây dược liệu.

Người dân xã Nuông Dăm (Kim Bôi) được hỗ trợ thực hiện dự án trồng cây dược liệu.

Giai đoạn 2019 – 2024, từ nguồn kinh phí trên 13 tỷ đồng, huyện Kim Bôi đã hỗ trợ 232 hộ chuyển đổi nghề bằng hình thức mua máy móc nông nghiệp; thi công 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã Hợp Tiến, Tú Sơn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.780 hộ; xây dựng điểm ổn định dân cư tập trung tại xã Cuối Hạ cho 22 hộ và hỗ trợ giải phóng mặt bằng đợt 1, đợt 2 cho 65 hộ.

Thực hiện tiểu dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, tổng kế hoạch vốn giao 11.650 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Kết quả đã giải ngân 8.036/11.653 triệu đồng, đạt 68,96% từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương. Dự án hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên tại 12 xã, diện tích bảo vệ 20.440,69 ha và bảo vệ rừng sản xuất tại 8 xã, diện tích 338,8 ha. Thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng kế hoạch vốn giao 17.327 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Kết quả đã giải ngân 9.342/17.327 triệu đồng, đạt 53,91% kế hoạch.

Đến nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi có 3 nhãn hiệu tập thể: "Cam Mường Động”, "Bưởi Mường Động”, "Nhãn Sơn Thủy”; trên 210 ha cây ăn quả có múi, nhãn, rau các loại, thanh long được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 34 ha nhãn được cấp chứng nhận GlobaGAP; 4 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Úc, EU.

Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiếp tục duy trì như: Chuỗi trồng cây ăn quả, cây lấy hạt; chuỗi liên kết sản xuất xả và tinh dầu xả chanh; chuỗi trồng và tiêu thụ cây dược liệu; chuỗi sản xuất và tiêu thụ ngô ngọt.... đem lại doanh thu cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nâng cao thu nhập cho người dân.

Chính sách phát triển sản xuất cộng đồng, kinh phí 14.430 triệu đồng được thực hiện tại các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, I để thực hiện các dự án chăn nuôi bò, gà, lợn; hỗ trợ cây dược liệu, cây rau mít, cây trám đen, nuôi ong. Các dự án, chính sách thực hiện phù hợp với từng địa phương nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 14,5% năm 2019 xuống còn 6,2% năm 2020; giai đoạn 2021-2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 21,03% năm 2021 xuống còn 12,28% năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2023 đạt 50 triệu đồng. Các tiềm năng, lợi thế về lao động, đất đai, tài nguyên được khai thác ngày càng hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Việt Hòa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường và dịch vụ ở nông thôn. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Đ.T

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/194889/huyen-kim-boi-day-manh-phat-trien-san-xuat-vung-dan-toc-thieu-so.htm