Huyện Kim Bôi tích cực triển khai các giải pháp phòng bệnh tan máu bẩm sinh

Năm 2009, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện điều tra, làm xét nghiệm gen bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) tại 3 xã: Nam Thượng, Đú Sáng, Vĩnh Đồng thuộc huyện Kim Bôi. Kết quả cho thấy, 3 địa phương trên có tỷ lệ người mắc bệnh TMBS cao hơn các địa phương khác; trong đó, dân tộc Mường có tới 23% người dân mắc bệnh. Trước thực tế trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kim Bôi đã nỗ lực tìm nguyên nhân và đề ra những giải pháp phù hợp để phòng bệnh TMBS.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hợp Đồng (Kim Bôi) tuyên truyền tới hội viên về cách phòng bệnh tan máu bẩm sinh.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hợp Đồng (Kim Bôi) tuyên truyền tới hội viên về cách phòng bệnh tan máu bẩm sinh.

Theo thống kê của Phòng DS-KHHGĐ huyện, toàn huyện có khoảng 40 người mắc bệnh TMBS. Bệnh có ở hầu hết các xã của huyện, trong đó, xã Hợp Đồng và Vĩnh Đồng có tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất. Hiện, xã Hợp Đồng có 10 người mắc bệnh TMBS, riêng xóm Sằn có 6 người, nhiều người bệnh có quan hệ họ hàng, anh em, nhiều cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống.

Chị Bùi Thị Vinh, xóm Sằn (xã Hợp Đồng) chia sẻ: Con trai tôi là cháu B.M.K (SN 2014), từ khi sinh ra đã nhợt nhạt, xanh xao, chậm lớn, ốm đau triền miên. Khi cháu được 5 tháng, gia đình cho cháu đi khám, bác sỹ kết luận cháu mắc bệnh TMBS. Trong xóm và trong họ nhà tôi cũng có người mắc bệnh TMBS nên tôi biết đây là căn bệnh sẽ đeo bám cuộc sống của con trai tôi suốt đời. Cuộc sống của cháu là ở bệnh viện, là truyền máu và thải sắt. Cháu không còn sợ khi bị cắm kim truyền vào tay vì cháu biết nếu không truyền máu cháu sẽ rất mệt, có thể lịm đi bất cứ lúc nào. 6 năm nay, tôi cùng con chống chọi với bệnh TMBS đã giúp tôi hiểu rằng cần phải có những kiến thức về sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn. Thanh niên, vị thành niên phải tích cực tham gia các câu lạc bộ tiền hôn nhân, khám sức khỏe trước hôn nhân, khi mang thai cần sàng lọc trước sinh.

Đồng chí Phạm Thị Thủy, Trưởng phòng DS-KHHGĐ huyện Kim Bôi cho biết: Từ năm 2011, sau khi có các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế về tăng cường phòng bệnh TMBS, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và thực hiện mô hình "Can thiệp giảm thiểu mắc bệnh TMBS”. Phòng DS-KHHGĐ huyện tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng bệnh TMBS trên địa bàn huyện. Kết quả cho thấy, hầu hết các xã đều có bệnh nhân mắc bệnh TMBS. Trên cơ sở đó, Phòng DS-KHHGĐ phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền các xã thực hiện công tác truyền thông, tổ chức hội nghị triển khai các hoạt động tư vấn, vận động người dân làm xét nghiệm sàng lọc gen bệnh cho đối tượng là thanh niên, vị thành niên.

Qua 9 năm triển khai mô hình "Can thiệp giảm thiểu mắc bệnh TMBS” tại huyện Kim Bôi đã đạt được một số kết quả quan trọng. Người dân có ý thức và chuyển đổi hành vi trong phòng mắc mới bệnh TMBS tại cộng đồng. Người dân tích cực làm xét nghiệm máu để phát hiện gen bệnh trước khi kết hôn. Phụ nữ mang thai có ý thức tham gia sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Năm 2019, 100% trẻ sinh ra trên địa bàn huyện không phát hiện mắc bệnh TMBS. Người nhà có bệnh nhân mắc bệnh TMBS có kiến thức chăm sóc và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị. Nội dung phòng bệnh TMBS được đưa vào trở thành nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ dân số. Một bộ phận người dân có ý thức tìm đến cán bộ dân số xã để được tư vấn, khám phòng bệnh. Công tác truyền thông về bệnh TMBS thực hiện dưới nhiều hình thức như: nói chuyện chuyên đề, lồng ghép vào các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các xã, thị trấn. Năm 2019, Phòng DS-KHHGĐ huyện đã tổ chức 13 buổi truyền thông về dân số với nội dung trọng tâm là cách phòng bệnh TMBS. Duy trì hoạt động của 2 câu lạc bộ phòng bệnh TMBS tại xã Hợp Đồng và Vĩnh Đồng.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/136096/huyen-kim-boi-tich-cuc-trien-khai-cac-giai-phap-phong-benh-tan-mau-bam-sinh.htm