Huyện Lạc Thủy: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hỗ trợ phát triển thị trường lao động
Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lạc Thủy đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trong đào tạo nghề, kết nối thị trường lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lạc Thủy đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trong đào tạo nghề, kết nối thị trường lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Ngay khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel công nghệ cao trên địa bàn xã Yên Bồng, Công ty CP Gốm Mỹ - HB đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm phục vụ công tác vận hành dây chuyền sản xuất. Nhờ đó, khi nhà máy đi vào hoạt động cuối năm 2020, công ty đã tuyển dụng 67 công nhân là người địa phương đáp ứng yêu cầu vận hành ổn định.
Để phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động cho các nhà máy may trên địa bàn, huyện Lạc Thủy đã chủ động phối hợp các cấp, ngành, cơ sở đào tạo mở hàng chục lớp may công nghiệp cho LĐNT trong huyện, cơ bản cung ứng đủ số lao động đã qua đào tạo, có tay nghề, chất lượng cao cho các nhà máy, góp phần giải quyết việc làm cho LĐNT. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho thị trường lao động không chỉ trên địa bàn huyện mà còn cho các địa phương khác.
Đồng chí Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Thủy cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 60%; số lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Cùng với đó, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐNT”, huyện tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT đạt những kết quả tích cực.
Từ năm 2012 - 2023, huyện đã tổ chức 69 lớp dạy nghề cho 1.735 LĐNT. Đối tượng học nghề là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo thiếu việc làm chiếm trên 90%; ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp, phi nông nghiệp. 100% người lao động tham gia các lớp dạy nghề được hỗ trợ tiền học theo chính sách của Đề án số 1956. Sau khi được đào tạo nghề, số lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo tìm được việc làm chiếm 75,14%.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Theo đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, qua tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, huyện đã, đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng thị trường lao động. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng trong thực hiện các giải pháp, tạo bước đột phá về phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững của địa phương theo tinh thần NQĐHĐB huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Thực hiện mục tiêu đó và nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại; đảm bảo kết nối thị trường lao động trong huyện với thị trường lao động của các tỉnh phía Bắc và cả nước, ngày 12/10/2023, UBND huyện Lạc Thủy ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND về việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25% vào năm 2025, năm 2030 đạt từ 30 - 32%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng về công nghệ thông tin đạt từ 65 - 70% vào năm 2025, năm 2030 đạt từ 75 - 80%.
Giai đoạn 2021 - 2030 tạo việc làm tăng thêm cho 14.000 lao động. Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 1,8%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 giảm xuống dưới 48%, đến năm 2030 giảm dưới 40%. 100% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Cùng với đó, huyện tập trung đầu tư, phát triển sàn giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp ngành nghề được đào tạo. Làm tốt công tác hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở với doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động địa phương; triển khai chính sách hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là thị trường lao động khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số...