Huyện Lạc Thủy: Tăng cường các phương án phòng, chống thiên tai

Với phần lớn các xã trên địa bàn thuộc khu vực vùng ven sông, thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió bão, ngập lụt, địa hình lại thuộc vùng thấp của tỉnh, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, dãy núi đá vôi. Do đó, ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Lạc Thủy đã chủ động xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án, giải pháp để ứng phó kịp thời, hiệu quả, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.

Đoàn viên thanh niên xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) phối hợp cùng các lực lượng tại địa phương gia cố nhà cửa cho hộ chính sách, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Đoàn viên thanh niên xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) phối hợp cùng các lực lượng tại địa phương gia cố nhà cửa cho hộ chính sách, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 7 và số 8, thị trấn Ba Hàng Đồi xảy ra mưa kéo dài. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động các phương án PCTT&TKCN nên trên địa bàn không có thiệt hại. Đồng chí Bạch Bá Hán, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Thị trấn luôn xác định công tác PCTT&TKCN là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trước khi bước vào mùa mưa lũ, thị trấn kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch chi tiết, cụ thể trong phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão. Huy động các lực lượng tình nguyện, xung kích; chuẩn bị phương tiện, hỗ trợ Nhân dân gia cố nhà cửa, công trình, sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Cùng với kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN từ cấp huyện đến cấp xã, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCTT; đưa tin kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, văn bản chỉ đạo của huyện về diễn biến mưa lũ, qua đó giúp người dân cập nhật kịp thời tình hình thời tiết các vùng trên địa bàn huyện để chủ động trong đời sống, sản xuất. Các xã, thị trấn rà soát khu vực xung yếu, vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, công trình trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng để có phương án chủ động phòng, chống hiệu quả.

Huyện đề cao tính chủ động của cá nhân, cộng đồng trong PCTT, thực hiện theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, tổ chức, cá nhân. Tăng cường gia cố, nâng cấp các công trình đê, kè, trạm bơm, hồ chứa, đáp ứng ngày càng cao khả năng ngăn lũ, tiêu úng, chống lở đất. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện tuần tra, canh gác, phát hiện ngay từ giờ đầu sự cố công trình đê điều, hồ đập, cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, bờ vở sông; xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn công trình trong mọi tình huống.

Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Theo phương châm "4 tại chỗ”, các xã, thị trấn chủ động huy động nguồn lực chuẩn bị một số loại vật tư, phương tiện để gia cố tại chỗ các điểm bị ảnh hưởng do thiên tai, các đoạn đê, kè xung yếu. Huyện cũng huy động xe tải, máy ủi, máy xúc chủ, phương tiện, vật tư để đảm bảo huy động, kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tổ chức thành 4 nhóm lực lượng chính để thực hiện hiệu quả công tác công tác PCTT&TKCN. Các xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra canh gác gồm 5 - 10 người trong những ngày thiên tai xảy ra, kịp thời phát hiện sự cố, báo cáo ngay về Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện; mỗi điểm công trình xung yếu ở các xã, thị trấn tổ chức lực lượng nòng cốt gồm 20 - 50 người, đội xung kích ứng cứu... Mỗi tháng một lần, Ban chỉ huy tiến hành kiểm tra các công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn để theo dõi tình hình, sẵn sàng có phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đến nay, mực nước tại các hồ, đập trên địa bàn huyện mới đủ để phục vụ cho sản xuất vụ chiêm xuân năm 2022.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/159183/huyen-lac-thuy-tang-cuong-cac-phuong-an-phong,-chong-thien-tai.htm