Huyện Lạc Thủy tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng

Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, huyện Lạc Thủy đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trước chặng đường mới, được đánh dấu từ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Lạc Thủy tiếp tục có những định hướng mang tính đột phá, trong đó, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng (KCHT) tiếp tục được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá được xem là 'đòn bẩy', đưa Lạc Thủy phát triển nhanh và bền vững.

Huyện Lạc Thủy đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Phát triển giao thông để đi trước một bước

Những năm trước đây, do thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa lũ, mật độ phương tiện lưu thông khá cao, nhiều xe trọng tải lớn, tỉnh lộ 438, đoạn qua 2 xã Khoan Dụ - Yên Bồng xuống cấp nghiêm trọng, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của Nhân dân, nghiêm trọng nhất là đoạn qua 2 thôn Hoàng Đồng, Liên Hồng 2 (xã Khoan Dụ). Trước thực trạng đó, cuối tháng 6/2020, Dự án trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi và nâng cấp tuyến đê bao ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ được khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư 217,8 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cùng nguồn ngân sách địa phương. Với chiều dài 6,8 km, điểm đầu tại đầu cầu Chi Nê, thôn Hoàng Đồng (xã Khoan Dụ), điểm cuối tiếp giáp với xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Vừa là đê bao ngăn lũ kết hợp đường giao thông chạy lũ, nền đê được thiết kế rộng 12 m, mặt đường bê tông rộng 11 m, nhiều đoạn có độ cao so với mặt đường cũ tới 2m. Bà Vũ Thị Hương, thôn Liên Hồng 2, xã Khoan Dụ cho biết: "Công trình được hoàn thành trước thềm Tết Nguyên đán 2022 đã đem lại niềm vui khôn xiết cho bà con nơi đây. Có đường giao thông rộng rãi đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa cho Nhân dân”.

Đó chỉ là một trong nhiều gam màu sáng trong "bức tranh” giao thông đang từng bước được hoàn thiện theo hướng ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại trên địa àn huyện. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa với hình thức đầu tư đa dạng, nguồn vốn đầu tư được mở rộng hơn. Năm 2021, nhiều công trình tuyến chính được đầu tư xây dựng; đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình giao thông với tổng số 9,2 km đường được nhựa hóa, bê tông hóa, tổng mức đầu tư trên 201,9 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng 22 công trình hạ tầng kỹ thuật từ các nguồn vốn nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh, phát triển KT-XH với tổng kinh phí 133,8 tỷ đồng. Chất lượng phục vụ của hạ tầng kỹ thuật đô thị được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đô thị hóa tăng lên.

Giai đoạn 2011 - 2020, từ các chương trình, dự án, ngân sách Nhà nước kết hợp vốn đầu tư của doanh nghiệp, huyện đã đầu tư xây dựng và nâng cấp 32 trạm biến áp, 24,5 km đường dây trung thế, 38,2 km đường dây hạ thế, với tổng kinh phí 130 tỷ đồng. Huyện đang tiến hành xin ứng mặt bằng đầu tư xây dựng 15 trạm biến áp; 5,2 km đường dây trung thế; 5,15 km đường dây hạ thế để thực hiện chống quá tải trên địa bàn các xã: Phú Nghĩa, Đồng Tâm, An Bình, Phú Thành, Thống Nhất, thị trấn Chi Nê, thị trấn Ba Hàng Đồi với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Đã thực hiện ứng mặt bằng đầu tư xây dựng xong công trình đường dây 35 kV mạch vòng cấp điện cho huyện Lạc Thủy với tổng kinh phí 13,68 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng chính đảm bảo tưới cho 75% diện tích lúa, 31% diện tích cây khác và phục vụ nước sinh hoạt cho Nhân dân. Cơ sở vật chất lớp học, phòng chức năng, trang thiết bị giáo dục các trường học được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu dạy và học, đưa số trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện là 29/38 trường…

Tiếp tục là khâu đột phá

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định phát triển KCHT có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, huyện đã tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng KCHT theo hướng ngày càng đồng bộ. Nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó huy động nguồn lực đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng. Nguồn lực phải được sử dụng hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, gắn với phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên…, tạo nên giá trị, nguồn lực mới để tái đầu tư các công trình hạ tầng khác. Huyện tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế, chính sách để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định; tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư...

Cùng với xây dựng KCHT phục vụ phát triển sản xuất, việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại cũng là một trong những giải pháp quan trọng tạo đà cho Lạc Thủy phát triển. Trong 10 năm qua, với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phong trào "Huyện Lạc Thủy chung sức xây dựng NTM" đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng khắp. Giai đoạn 2011 - 2020, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình đạt 7.765,53 tỷ đồng. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất, hiến tài sản trên đất, đóng góp công lao động, tiền để xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Thành quả là huyện đã được công nhận huyện NTM năm 2020, trước thời hạn 1 năm, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 khu dân cư kiểu mẫu, 35 vườn mẫu.

Điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện những năm qua là đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo quy hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn huyện là 1 khu công nghiệp (KCN), 6 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 682,59 ha, trong đó: KCN Thanh Hà 282,14 ha; CCN Đồng Tâm 73,96 ha; CCN Thanh Nông 35,11 ha; điều chỉnh CCN Phú Thành II từ 50 ha lên 75 ha; điều chỉnh CCN môi trường công nghệ cao Hòa Bình từ 56,8 ha lên 75 ha, bổ sung CCN Đồng Tâm II 66,38 ha và bổ sung CCN Thống Nhất 75 ha. Đến nay, toàn huyện có 69 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 49.207 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án trong CCN, riêng 6 tháng đầu năm 2022 thu hút được 3 dự án. Đã có 35/69 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, tập trung những trục giao thông chính kết nối tour, tuyến nhằm phát triển đa dạng loại hình du lịch. Những năm qua, UBND huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, như tuyến hạ tầng du lịch hang Luồn, thị trấn Chi Nê (21,5 tỷ đồng); hạ tầng du lịch xã Phú Nghĩa (81 tỷ đồng); triển khai dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng du lịch khu di tích chùa Tiên với kinh phí trên 234 tỷ đồng... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,34%, đạt tốp đầu phát triển KT-XH của tỉnh.

Trước chặng đường mới với nhiều tiềm năng, lợi thế đang được mở ra, chia sẻ về những định hướng phát triển của Lạc Thủy trong tương lai, đồng chí Bí thư Huyện ủy Bùi Trung Kiên cho biết: "Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp. Về lĩnh vực du lịch, dịch vụ với các dự án lớn tại xã Phú Nghĩa, tăng cường công tác quảng bá nâng cao hình ảnh du lịch Lạc Thủy thông qua các chương trình quảng cáo chuyên nghiệp. Thời gian tới, trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện đến năm 2030, huyện ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng KCHT đồng bộ nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững; quan tâm đầu tư, hoàn thiện các công trình quan trọng. Đồng thời, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế; trong đó, chú trọng các công trình trọng điểm, chỉnh trang đô thị, phát triển vùng sâu, vùng xa.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/169165/huyen-lac-thuy-tao-dot-pha-tr111ng-phat-trien-ket-cau-ha-tang.htm