Huyện Lạc Thủy xây dựng điểm đến du lịch dịch vụ chất lượng cao
Với lợi thế về địa lý, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, giao thông thuận tiện, huyện Lạc Thủy có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch thắng cảnh và du lịch lễ hội.
Mới đây, dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa do Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương làm chủ đầu tư chính thức khởi công, kết nối danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - khu di tích quốc gia đặc biệt thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội) với di tích quốc gia chùa Tiên - xã Phú Nghĩa. Dự án kỳ vọng trong tương lai không xa sẽ là sản phẩm du lịch mới, tạo bứt phá phát triển du lịch, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 danh thắng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chuyển dịch KT-XH địa phương và khu vực.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, trên địa bàn hiện có 36 cơ sở kinh doanh lưu trú, có resort Làng Sỏi với 4 villa du lịch gồm 32 phòng nghỉ, 12 nhà nghỉ cộng đồng. Bên cạnh đó, có 6 di tích xếp hạng quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 64 điểm di tích theo quyết định của UBND tỉnh trong danh mục kiểm kê cần bảo vệ. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Những năm gần đây, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển du lịch huyện Lạc Thủy giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Nghị quyết là phát triển du lịch theo hướng bền vững; đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích thu hút đầu tư, xây dựng du lịch Lạc Thủy trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh với sản phẩm đặc trưng, chất lượng dịch vụ cao, rõ thương hiệu.
Đến nay, các dự án đang triển khai tại địa bàn huyện, gồm: Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp nuôi trồng thủy sản của Tập đoàn TH với số vốn đăng ký 148 tỷ đồng; Dự án cáp treo Hương Bình; khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy của Công ty cổ phần TNHH một thành viên Pacific - Hòa Bình với số vốn đăng ký trên 4.000 tỷ đồng; dự án "Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng giai đoạn 2, tiểu dự án tỉnh Hòa Bình” với tổng mức đầu tư 234,4 tỷ đồng.
Một số dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, như: Dự án nhà ở sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tại xã Đồng Tâm của Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun group); Dự án khu đô thị sinh thái Hang Trinh Nữ Chi Nê, tại thị trấn Chi Nê của Công ty CP đầu tư GoldSun Framedia; Dự án nông nghiệp trải nghiệm công nghệ cao tại xã Khoan Dụ của Công ty CP du lịch Thiên Phú… Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương, các điều kiện khác thu hút đầu tư phát triển du lịch, huyện quan tâm xây dựng và mở rộng các sản phẩm du lịch địa phương, trọng tâm là du lịch tham quan, du lịch văn hóa - tâm linh; lựa chọn ngành nghề truyền thống để bảo tồn và tạo ra các sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch.
Năm 2022, huyện đón 540.000 lượt khách, tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 102 tỷ đồng. Các lễ hội truyền thống được duy trì và tổ chức tốt, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần bảo tồn nét truyền thống văn hóa gắn với phát triển sản phẩm du lịch lễ hội. Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, huyện đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, giai đoạn 2026 - 2030 đón khoảng 2 triệu lượt khách.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng điều kiện phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên các dự án: Hạ tầng du lịch Chùa Tiên xã Phú Nghĩa, bổ sung các dịch vụ du lịch phụ trợ tại khu du lịch Chùa Tiên, hạ tầng du lịch Hang Luồn; xây dựng và hoàn thiện công trình đền Mẫu (khu du lịch Chùa Tiên), hoàn thiện các hạng mục tại di tích Địa điểm nhà máy in tiền (xã Phú Nghĩa); triển khai các nhà bãi đỗ xe phục vụ khách du lịch để nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch; hệ thống hạ tầng thông tin viễn thông. Mặt khác, xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn gắn với phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao: Du lịch thắng cảnh kết hợp tâm linh Chùa Tiên xã Phú Nghĩa; hang động Núi Niệm xã Phú Thành; đền Rem (thị trấn Chi Nê); du lịch tìm hiểu về nguồn (Địa điểm nhà máy in tiền - xã Phú Nghĩa, Đài phát thanh Phathet Lào - xã An Bình, Tổ Đảng Hoàng Đồng - xã Khoan Dụ); hoàn thiện và đưa vào sử dụng đón khách tại các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao kết hợp du lịch vui chơi giải trí. Xây dựng và phát triển đưa các sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ, các sản phẩm nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nhà vườn, trang trại, du lịch trải nghiệm để thu hút khách du lịch. Huyện khuyến khích các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.