Huyện Lắk (Đắk Lắk): 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chỉ 4 công trình được đánh giá hiệu quả

Từ năm 2006 đến nay trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư 19 công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có 4 công trình được đánh giá hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động kém hiệu quả và đã ngừng hoạt động.

Trạm cấp nước xã Đắk Liêng. Công trình cấp nước được đánh giá hiệu quả.

Trạm cấp nước xã Đắk Liêng. Công trình cấp nước được đánh giá hiệu quả.

Những CTCN được đánh giá hoạt động hiệu quả và xếp loại bền vững gồm: CTCN xã Bông Krang; CTCN Hòa Bình 1,2,3 xã Đắk Liêng và thôn Đông Tân Giang xã Buôn Tría; CTCN xã Đắk Phơi; CTCN xã Nam Ka.

Các CTCN này do Sở nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban QLDA huyện và Trung tâm nước sạch & vệ sinh môi trường (TTNS&VSMT) nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 32 tỷ 846 triệu đồng (từ nguồn vốn WB, CT MTQG xây dựng nông thôn mới; CT MTQG nước sạch & vệ sinh môi trường; tổ chức JICA (Nhật Bản). Các công trình này do TTNS&VSMT nông thôn tỉnh quản lý, vận hành.

Công trình cấp nước sinh hoạt Buôn Yang Lah 1,2, được đánh giá tương đối bền vững tuy nhiên có lúc nước cặn và đục.

Công trình cấp nước sinh hoạt Buôn Yang Lah 1,2, được đánh giá tương đối bền vững tuy nhiên có lúc nước cặn và đục.

4 công trình được đánh giá xếp loại tương đối bền vững nhưng khả năng cấp nước không thường xuyên gồm: CTCN Buôn Yang Lah 1,2; CTCN Buôn Bàng, CTCN Buôn Drên A xã Đắk Liêng; CTCN Buôn Cuôr Tak, Buôn Yôk Đuôn xã Yang Tao.

Các công trình này do Ban QLDA huyện và Phòng Dân tộc huyện làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 5 tỷ 153 triệu đồng (từ nguồn vốn chương trình 30a và cấp bách chống hạn). Các công trình này do địa phương qản lý và vận hành.

Công trình cấp nước tập trung ở Buôn Bàng được đánh giá tương đối bền vững tuy nhiên có lúc nước cặn và đục.

Công trình cấp nước tập trung ở Buôn Bàng được đánh giá tương đối bền vững tuy nhiên có lúc nước cặn và đục.

Số công trình xuống cấp, hư hỏng đề nghị thanh lý, gồm: CTCN xã Krông nô; CTCN Buôn Phôk (Ea rbin); CTCN Buôn Ung Rung 2 xã Buôn Triết (3 công trình này được đầu tư năm 2011, 2012), do Phòng Dân tộc huyện và Hội dùng nước làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 7 tỷ 157 triệu đồng (từ nguồn vốn CT 134, Danida và dân đóng góp). Đây là số công trình do cộng đồng quản lý vận hành. Trong số các công trình này chỉ có CTCN Buôn Phôk (Ea rbin) là cấp nước thường xuyên, số còn lại đã xuống cấp và hư hỏng.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở Buôn Phôk (Ea rbin) đã ngừng hoạt động.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở Buôn Phôk (Ea rbin) đã ngừng hoạt động.

Số công trình công suất thiết kế nhỏ, hư hỏng nhiều gồm: CTCN Đoàn Kết 2 xã Buôn Triết; CTCN thôn Hòa Bình 1,2 và Buôn Kam; CTCN thôn Hòa Bình 3; CTCN Buôn M’liêng 1, (xã Đắk Liêng); CTCN thôn Yên Thành 1,2; CTCN Buôn Đlây (xã Đắk Nuê); CTCN Buôn PLao Siêng; CTCN Buôn Sa Bôk (xã Ea Rbin). (8 công trình này được đầu tư năm 2006, 2007, 2011,2012 và 2015). Tổng nguồn vốn đầu tư 5 tỷ 883 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình 134, chương trình 755 và vốn Danida và dân đóng góp.

Trong 8 công trình này mới xác định được 4 công trình do Phòng Dân tộc huyện và Hội dùng nước làm chủ đầu tư, còn lại không xác định được chủ đầu tư. Và trong 8 công trình này có 7 công trình cấp nước không thường xuyên, còn 1 công trình Buôn Sa Bôk (xã Ea Rbin) là hoạt động thường xuyên. Trong số công trình này có 4 công trình do UBND xã quản lý, 1 công trình là Ban tự quản buôn quản lý, còn lại do cộng đồng quản lý.

Theo báo cáo huyện Lắk: hiện CTCN ở Buôn Cuôr Tak, Buôn Yôk Đuôn xã Yang Tao; CTCN Buôn Yang Lah 1,2; CTCN Buôn Bàng xã Đắk Liêng được đánh giá hoạt động tương đối bền vững tuy nhiên có lúc nước cặn và đục. Công trình cấp nước ở Buôn Plao siêng, Buôn Sa Bôk và Buôn Ea R’bin; Buôn Ung Rung 2, thôn Đoàn Kết và Buôn Knac, xã Buôn Triết; Buôn Trang Yuk và Buôn Yông Hắt xã Krông Nô, Buôn Dlây và thôn Yên Thành 1,2 xã Đắk Nuê đã đã ngừng hoạt động.

Cũng theo đánh giá của huyện Lắk hiện có tới 9 công trình đã hư hỏng, bỏ hoang, xuống cấp, số còn lại đa phần chưa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân theo đúng khảo sát thiết kế ban đầu. Một số hộ dân đăng kí sử dụng nước sạch nhưng không sử dụng thường xuyên; nhiều hộ dân chưa hoặc không đăng kí đấu nối sử dụng nước sạch, một phần do các CTCN tập trung trên địa bàn khả năng cấp nước không thường xuyên trong ngày, chất lượng công trình không đảm bảo vì nước thường xuyên bị đục, cặn, phèn.

Nguyên nhân do hư hỏng hệ thống ống dẫn; số hộ dùng nước từ công trình giảm vì trong mùa mưa người dân sử dụng giếng nước của gia đình; đường ống thường xuyên bị bục; kinh phí thu được từ việc sử dụng nước không đủ để chi trả tiền điện, tiền lương cho người quản lý và tích lũy để kịp thời sửa chữa khi có hư hỏng phát sinh; trạm bơm đã bị cắt điện (do thiếu tiền điện)…

Riêng CTCN buôn M’Liêng, xã Đắk Liêng hiện tại bình lọc nước, áp lực của công trình bị hư hỏng do không được thay cát lọc thường xuyên; buôn M’liêng 1, là vùng thường bị nhiễm phèn, độ pH thấp; CTCN sinh hoạt tập trung phải có hệ thống bình lọc mới sử dụng được và các hộ dân nghèo không đóng tiền điện đôi lúc còn bị Chi nhánh điện lực huyện Lắk cúp điện. UBND xã Đắk Liêng và Ban quản lý sử dụng nước của Buôn không có kinh phí bảo dưỡng, duy tu sửa chữa công trình.

Trước thực trạng trên, huyện Lắk đề nghị UBND tỉnh, các Sở ngành liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng mới các CTCN tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời giúp các xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới.

Huyện Lắk cũng đề nghị cấp trên hạn chế đầu tư các công trình cấp nước quy mô nhỏ (dưới 200 hộ) tránh tình trạng công trình đi vào hoạt động nguồn thu không đủ chi để duy trì hoạt động.

Thanh Nga

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huyen-lak-dak-lak-19-cong-trinh-cap-nuoc-sinh-hoat-tap-trung-chi-4-cong-trinh-duoc-danh-gia-hieu-qua-10285323.html