Huyện lên thành phố, đời sống của người dân có khá giả hơn?

Trước định hướng cả 5 huyện ngoại thành TP.HCM đều chọn lên thẳng thành phố trực thuộc, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng cuộc sống của người dân mới là mục tiêu cuối cùng.

Mới đây, bài viết: “Vì sao 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM chọn mô hình lên thành phố?” được đăng tải trên VietNamNet, nhiều độc giả bày tỏ quan điểm riêng về vấn đề này.

Cụ thể, bạn đọc tên Khải thắc mắc: “Quá nhiều thành phố nhỏ trực thuộc một tỉnh/thành phố lớn. Có ở đâu như vậy không nhỉ?

Bạn Tú Xương cũng viết: “Các huyện ở Hà Nội với TP.HCM đều lên thành phố hết cả. Thấy kỳ kỳ vậy...”.

“Một TP.HCM mà lại có đến 5-6 thành phố trực thuộc, thật phức tạp quá. Tên gọi "thành phố" trở nên nhàm”, bạn Tran Hieu Linh nêu ý kiến.

Theo bạn Buivandung: “Giờ đã hiểu, vì còn nhiều vùng nông thôn nghèo khó nên không đủ tiêu chuẩn lên quận, vậy nên các huyện chọn phương án lên thành phố. Sao cần danh "thành phố" làm chi nhỉ? Các huyện cứ cố gắng phát triển các xã nông nghiệp hiện đại, cuộc sống người dân đủ đầy thì người dân mới mừng”.

Một góc huyện Bình Chánh, TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

Một góc huyện Bình Chánh, TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

Đồng quan điểm, bạn Phức bày tỏ: “Mang tiếng là "thành phố" rồi người dân vẫn thuộc xã thuần nông, lam lũ với ruộng đồng, thế thì có gì tốt hơn không?”

Bạn Nguyenvangiang cho rằng: “Cứ tưởng lên "thành phố" thì to hơn và khó hơn là "quận" chứ. Nếu nâng cấp lên thành phố mà vẫn giữ nguyên mô hình phát triển kinh tế như huyện thì thôi cứ để vậy”.

Quan trọng là đời sống khá giả

Theo bạn Vietng: “Quan trọng là người dân có công ăn việc làm, đời sống khá giả,... chứ lên quận hay thành phố hay vẫn là huyện thì có sao đâu”.

Tương tự, bạn Nguyễn Đức Vinh nêu ý kiến: “Huyện, quận hay thành phố chỉ là danh xưng, chất lượng cuộc sống của người dân mới là mục tiêu cuối cùng”.

Bạn Thu thẳng thắn: “Huyện thì đã sao, dân chuyên làm nông, đất đai nhiều vẫn làm giàu được bằng nông nghiệp, cần gì phải chạy theo danh quận, thành phố. Đô thị hóa có nhiều ưu việt, nhưng cũng có rất nhiều hệ lụy”.

Bạn Đỗ Xuân Kỳ đánh giá: “Lên thành phố để làm gì khi mà môi trường an sinh xã hội thì quá tệ. Đường xá, vỉa hè không có, rác đầy đường khói bụi ô nhiễm”.

Bạn Trần Vũ nhìn nhận: “Càng chạy theo đô thị, với lại ưu tiên đô thị hóa mà hạ tầng quá kém, kể cả các quận lâu đời của thành phố còn chưa hoàn chỉnh nữa”.

Từ đó, bạn Trần Vũ đặt vấn đề: “Cứ lên quận, thành phố rồi lấy đất nông nghiệp lên thổ cư, xong bỏ hoang liệu có đúng mục đích sử dụng đất?”.

Còn bạn Huynhthekhoa cho rằng: "Quyền và cơ chế là do con người, nếu cần thì xin cơ chế để phù hợp với dân số”.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký ban hành văn bản báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.

UBND TP.HCM đánh giá, mô hình chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận đối với 5 huyện là rất khó đạt được trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Muốn chuyển thành quận, các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có đủ 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường. Trong khi, hầu hết các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh,… đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều.

Do vậy, mô hình thành phố thuộc TP.HCM là phương án được lựa chọn của cả 5 huyện.

Trước đó, tháng 7/2023, UBND thành phố Hà Nội cũng có tờ trình gửi HĐND TP về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, bước đầu định hình hướng phát triển 2 thành phố mới của Hà Nội. Thành phố ở phía Bắc sông Hồng (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai).

Bảo Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/huyen-len-thanh-pho-doi-song-cua-nguoi-dan-co-kha-gia-hon-2196611.html