Huyện Lương Sơn siết chặt quản lý khai thác khoáng sản

Huyện Lương Sơn nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh, gồm 11 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 10 xã), tiếp giáp 4 huyện của TP Hà Nội. Huyện có lợi thế về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội giữa các tỉnh Tây Bắc cũng như vùng Thủ đô. Có các tuyến giao thông chính chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện như: quốc lộ 6, quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh.

Huyện Lương Sơn nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh, gồm 11 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 10 xã), tiếp giáp 4 huyện của TP Hà Nội. Huyện có lợi thế về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội giữa các tỉnh Tây Bắc cũng như vùng Thủ đô. Có các tuyến giao thông chính chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện như: quốc lộ 6, quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh.

Mỏ đá xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn vận hành đảm bảo an toàn lao động và môi trường.

Mỏ đá xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn vận hành đảm bảo an toàn lao động và môi trường.

Hiện nay, huyện có số lượng cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và khai thác khoáng sản lớn nhất trong tỉnh với 45 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá, diện tích đất sử dụng 518ha, trữ lượng đá cấp phép 295 triệu m3, tổng công suất khai thác 9 triệu m3/năm. Có 38/45 mỏ đang hoạt động khai thác; 13 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế 420 triệu viên/năm. Ngoài ra có các cơ sở sản xuất vật liệu không nung (gạch bê tông cốt liệu, gạch silicat...), công suất thiết kế 204 triệu viên/năm; 2 nhà máy xi măng đang hoạt động, công suất 4.000 tấn clinker/ngày đêm là xi măng Trung Sơn, xi măng Vĩnh Sơn (2 nhà máy này đã lắp hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục để kiểm soát nguồn phát thải), 1 nhà máy xi măng Hoàng Long đang xây dựng, công suất 2,3 triệu tấn/năm.

Các dự án khai thác, sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn huyện Lương Sơn nói riêng trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả nhất định về phát triển kinh tế - xã hội, đó là: Sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo việc làm cho lao động địa phương với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/ người/tháng; tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương, trung bình hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng; đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi, ủng hộ cho xã, xóm và hoạt động phong trào tại địa phương.

Theo đánh giá, các cơ sở duy trì vận hành các công trình, biện pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: đầu tư lắp đặt giàn phun sương giảm bụi tại các vị trí phát sinh nhiều bụi, trang bị xe tưới ẩm đường giao thông; bố trí hệ thống rãnh thu gom, thoát nước mưa; lắp đặt hệ thống xử lý bụi, khí thải; lắp hệ thống quan trắc khí thải tự động; nổ mìn, nghiền sàng đá cơ bản theo thời gian quy định.

Tuy nhiên, tại một số nơi mật độ dự án lớn có nhiều phản ánh liên quan đến khai thác, vận chuyển, nổ mìn gây rung chấn, tiếng ồn, khói bụi ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân. Từ năm 2020 đến nay, ở một số khu vực mỏ người dân gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết. Một số nơi xảy ra tụ tập phản đối hoạt động của mỏ khai thác đá, yêu cầu dừng hoạt động, bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng, điển hình như khu vực xã Cao Dương, Liên Sơn. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm bụi mịn trên một số tuyến đường diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong nhân dân, như đường Hồ Chí Minh khu vực xã Cao Dương, Liên Sơn… tần suất vận tải lớn.

Hoạt động vận chuyển sản phẩm tuy đã có cam kết không vận chuyển quá khổ, quá tải nhưng những vi phạm này vẫn xảy ra, làm rơi vãi sản phẩm ra đường phát sinh bụi, mất an toàn giao thông và hư hại đường sá, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, phá vỡ cảnh quan, tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Một số dự án mỏ khai thác sai thiết kế được thẩm định về chiều cao tầng, sườn tầng gây mất an toàn lao động, khai thác vượt ranh giới diện tích được cấp phép. Một số đơn vị sản xuất VLXD chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ về môi trường. Tình trạng nợ đọng nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn còn, chiếm khoảng 5% so với số phải thu nộp.

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn cho biết: Thời gian tới, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất VLXD, huyện sẽ dừng cấp mới khai thác các mỏ khoáng sản theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Xem xét đưa ra lộ trình đến năm 2030 - 2035 dừng hoạt động khai thác đối với các mỏ đá nằm trong khu vực phát triển đô thị. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định trong khai thác, chế biến, sản xuất VLXD; xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định trong khai thác khoáng sản tại các mỏ đá. Kiên quyết xử lý chủ mỏ vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, nguy cơ cao mất an toàn lao động, làm hỏng hạ tầng giao thông, nợ đọng thuế, phí, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/190185/huyen-luong-son-siet-chat-quan-ly-khai-thac-khoang-san.htm