Huyện Mỹ Xuyên chú trọng nâng chất đàn bò sữa
Trong những năm qua, bò sữa được xem là một trong những vật nuôi giải được bài toán giảm nghèo bền vững tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), vì chi phí nuôi không cao nhưng lợi nhuận từ nguồn sữa bò tươi đem lại lớn. Nhiều hộ chăn nuôi có điều kiện đã phát triển thêm số lượng đàn bò và không ngừng nâng chất lượng con bò sữa thông qua sự hỗ trợ từ Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng.
Nhận được sự hỗ trợ từ huyện và Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò của tỉnh, sau hơn 10 năm nuôi bò sữa, ông Sơn Đức, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên đã phát triển đàn được 23 con, có 12 con đang cho sữa. Ông Đức tính bình quân: "Mỗi ngày lượng sữa bò thu được từ 140 - 170kg, cho thu nhập từ tiền bán sữa bò tươi từ 10 - 12 triệu đồng/tuần. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và của Dự án Phát triển chăn nuôi bò của tỉnh, tôi đã đỡ phần nào chi phí xây dựng chuồng trại; mua máy băm cỏ. Từ nguồn dự án, tôi vay tiền không tính lãi để mua thêm 3 con bò giống chất lượng cao vào năm 2018, giờ đàn bò khỏe mạnh, cho lượng sữa tốt. Tôi dự tính sẽ nâng số lượng đàn bò sữa trên 30 con để đem lại nguồn thu nhập cao hơn nữa cho gia đình".
Năm 2012, ông Tìa Sà Thia, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên bắt đầu nuôi bò sữa nhưng không mấy thuận lợi vì không có giống tốt, bò không được cao lớn. Ông Thia chia sẻ: "Năm 2016, tôi được Dự án Phát triển chăn nuôi bò của tỉnh hỗ trợ 6 con bò. Tôi duy trì và cho bò sinh sản theo từng năm, bán những con gầy, chậm lớn, chỉ để lại những con bò cho sữa tốt. Tôi có tổng số 9 con bò, có 5 con đang cho sữa, còn lại là bò hậu bị. Sản lượng sữa bò thu về hơn 55kg/ngày, trừ chi phí đem về số tiền hơn 500.000 đồng/ngày".
Hiện, tổng đàn bò của huyện Mỹ Xuyên là 10.552 con, trong đó bò sữa 1.294 con, với 150 hộ nuôi, sản lượng sữa hằng năm ước đạt trên 1.500 tấn. Đàn bò sữa tập trung nuôi tại 2 xã là Đại Tâm và Tham Đôn. Qua nhiều năm nuôi bò sữa, hộ dân đã dần chuyển đổi sang những giống bò chất lượng cao hơn. Để hỗ trợ hộ dân cải tạo, nâng chất lượng đàn bò, trong năm 2023, huyện Mỹ Xuyên đã phối hợp Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh hỗ trợ 84 con bò cái hậu bị lai Sind, Bradman cho các hộ nuôi bò trên địa bàn huyện. Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng 2 nhà chứa rơm; 5 hố ủ phân bò cho hộ chăn nuôi tại 2 xã: Tham Đôn và Đại Tâm; hỗ trợ xây dựng 14 mô hình ủ phân Compost bò, thực hiện 17 mô hình ủ thức ăn, hỗ trợ 50% thức ăn vỗ béo 37 con bò cho hộ nuôi. Đồng thời, hỗ trợ 94kg hạt cỏ và 44kg hạt bắp để phát triển thức ăn thô xanh cho đàn bò, hỗ trợ 13 máy cắt cỏ cầm tay và 4 máy băm cỏ cho hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 1 tổ hợp tác chăn nuôi bò; triển khai thực hiện 1 mô hình nuôi bò sữa kiểu mẫu tại xã Tham Đôn.
“Nhằm tiếp tục nâng chất và phát triển đàn bò trên địa bàn huyện, huyện sẽ tiếp tục phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bò của tỉnh Sóc Trăng phân bổ cho huyện. Tạo điều kiện cho hộ nông dân đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất và tổ chức thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò. Hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cung ứng vật tư, cấp con giống, góp phần tích cực cho đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện gắn với xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ bò cho hộ chăn nuôi tăng số lượng đàn bò, tăng thêm thu nhập...”, đồng chí Tăng Thanh Chí - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên thông tin.
Đồng chí Trần Văn Đốm - Phó Giám đốc Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đàn bò sữa của tỉnh hơn 6.750 con; cơ cấu đàn bò cái sinh sản chiếm 60%, trong đó đàn bò khai thác sữa chiếm 40% tổng đàn. Sản lượng sữa tươi 13.537 tấn/năm. Diện tích trồng cây thức ăn cho bò sữa đạt 1.100ha. Thông qua nuôi bò sữa đã giải quyết việc làm cho 5.000 lao động nông thôn. Trong năm 2024, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương cải thiện, nâng chất lượng đàn bò sữa bằng cách hỗ trợ 1.400 liều tinh bò cao sản; hỗ trợ các vật tư, thiết bị thụ tinh nhân tạo trên bò; chuyển giao bò cái hậu bị cho hộ chăn nuôi. Tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi bò sữa cho hộ dân; củng cố 32 mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến; xây dựng 6 mô hình chăn nuôi bò tiên tiến; hỗ trợ máy cắt cỏ cho hộ dân. Tăng cường công tác quản lý dịch bệnh trên đàn bò sữa và chọn lọc các giống bò tốt, năng suất sữa cao đưa vào quản lý, tạo tiền đề cho đàn hạt nhân…”.