Huyện Ngọc Lặc chủ động sản xuất vụ đông theo hướng liên kết
Vụ đông năm 2020-2021, huyện Ngọc Lặc xác định là 1 trong 3 vụ sản xuất chính trong năm, ngay từ đầu vụ địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh sản xuất.
Xã Cao Thịnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch sản xuất và chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX tìm các đầu mối liên kết để tiêu thụ sản phẩm cũng như cung ứng các loại giống, vật tư nông nghiệp cho người dân sản xuất. Theo kế hoạch, huyện Ngọc Lặc phấn đấu gieo trồng đạt 1.500 ha trở lên. Trong đó, cây ngô 600 ha, cây khoai lang 100 ha, rau đậu các loại 650 ha, cây trồng khác 150 ha... Phấn đấu sản lượng lương thực đạt 2.940 tấn trở lên.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch của huyện và điều kiện cụ thể của từng đơn vị bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp. Khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi diện tích đất 2 lúa, đất lúa - màu, đất màu sang trồng các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, đầu tư thâm canh, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Đối với các HTX nông nghiệp, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đơn vị cung ứng giống, vật tư bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ sản xuất. Đồng thời, bám sát lịch thời vụ gieo trồng từng loại cây để hướng dẫn các hộ nông dân gieo trồng bảo đảm thời vụ, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng, phát triển, đạt năng suất cao. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng theo quy định. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ đầu vụ đến nay nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, tiến độ sản xuất vụ đông trên địa bàn đạt kết quả cao. Đến thời điểm này, toàn huyện Ngọc Lặc đã trồng được 1.387 ha/1.500 ha; trong đó, ngô 482 ha/500 ha, khoai lang 73 ha/100 ha, rau đậu các loại và cây khác 832 ha/900 ha... Nhiều xã gieo trồng vụ đông đạt hơn 90%, như: Cao Thịnh, Phùng Minh, Ngọc Liên, Thúy Sơn, Ngọc Sơn, Thạch Lập... Bà Phan Thu Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Với chủ trương phát triển vụ đông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; huyện tập trung thâm canh các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; bố trí hợp lý cơ cấu giữa nhóm cây ưa ấm, nhóm cây ưa lạnh. Để chủ động sản xuất vụ đông theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm, các xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Ớt, dưa chuột, bầu bao tử, bí đỏ... vào sản xuất. Áp dụng các biện pháp canh tác theo ICM, IPM vào sản xuất nhằm giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh, HTX dịch vụ nông nghiệp Cao Thịnh, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Sơn,... liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đối với cây ngô sinh khối lấy thân làm thức chăn nuôi, bí bao tử, ngô ngọt... Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thuê đất sản xuất tập trung theo thời vụ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất vụ đông, phấn đấu cơ giới hóa 100% khâu làm đất để thúc đẩy sản xuất vụ đông nhanh và tạo thành phong trào toàn dân tham gia sản xuất vụ đông. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông 2020-2021 của tỉnh về hỗ trợ kinh phí mua giống ngô sản xuất vụ đông với mức 0,65 triệu đồng/ha (tổng diện tích được giao 100 ha) và trồng tập trung từ 5 ha trở lên.