Huyện Nhà Bè định hướng phát triển tiềm năng ngành logistics
Ngày 31-12, UBND huyện Nhà Bè phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Tiềm năng và triển vọng phát triển ngành logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè'.
Sự kiện là diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ những giải pháp đột phá, góp phần xây dựng Nhà Bè thành trung tâm logistics hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Theo Quyết định 1579/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển TPHCM thuộc nhóm cảng biển số 4, trong đó huyện Nhà Bè được quy hoạch có khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp và Khu bến Nhà Bè với chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam.
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, với vị trí thuận lợi, huyện Nhà Bè được nhìn nhận có nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển vận tải, kho vận, giao nhận trong tương lai. Huyện có hệ thống giao thông đường thủy lưu thông hàng hóa từ các tỉnh ĐBSCL đến TPHCM.
Huyện còn có hệ thống giao thông đường bộ huyết mạch hiện hữu kết nối phục vụ hoạt động logistics với KCN cảng Hiệp Phước và hoạt động phát triển kinh tế khu vực lân cận. Bên cạnh đó, khi đường vành đai 3, vành đai 4, Trung tâm logistics và Cảng Quốc tế Cần Giờ chính thức được khai thác thì huyện Nhà Bè sẽ trở thành điểm tập trung hàng hóa quy mô lớn và phân phối đến các khu vực lân cận. Do đó, huyện Nhà Bè xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Ông Phạm Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước cho biết, tiềm năng của Nhà Bè có khu bến Hiệp Phước (sông Soài Rạp) đón tàu trọng tải đến 70.000 tấn và khu bến Nhà Bè (sông Nhà Bè) phục vụ tàu trọng tải đến 45.000 tấn, tàu khách đến 60.000 GT, là cánh tay nối dài cho cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, ngành logistics của huyện Nhà Bè hiện còn gặp nhiều thách thức do hệ thống giao thông đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu về thương mại điện tử, chưa có đường sắt kết nối cảng biển, tuyến luồng chưa đáp ứng đủ sâu khiến hạn chế cho việc tiếp nhận và khai thác ổn định cho các tuyến dịch vụ đường thủy. Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ chưa có nhiều đầu tư trong quản lý chuỗi cung ứng.
Trước những khó khăn đó, ông Phạm Thanh Sơn đề xuất một số ý kiến cho UBND huyện Nhà Bè. Về hệ thống hạ tầng logistics, cần hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các trung tâm logistics đã được quy hoạch trên địa bàn; Phát triển đồng bộ hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng giao thông và hạ tầng số.
Về chính sách phát triển logistics xanh, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị sử dụng nhiên liệu sạch, hệ thống kho bãi có áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo... Về phát triển nguồn nhân lực, duy trì lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và logistics; Khuyến khích các trường đại học, các cơ sở đào tạo đẩy mạnh giáo dục bậc đại học và sau đại học cho mảng logistics.
Theo định hướng phát triển đến năm 2030 của ngành logistics, TPHCM sẽ đầu tư Trung tâm dịch vụ logistic tại KCN Hiệp Phước với quy mô 100ha. Vì vậy, huyện Nhà Bè xác định ngành logistics cùng thương mại dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các ngành kinh tế của địa phương.