Huyện Như Thanh thu hút các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu
Tận dụng nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, những năm gần đây huyện Như Thanh đã có nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu đầu tư vào huyện, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Sản xuất gỗ thanh nan xuất khẩu tại Công ty TNHH Ngôi Sao Đô Thị ở thôn Eo Son (Phú Nhuận).
Theo chân cán bộ UBND huyện Như Thanh, chúng tôi đến thăm Công ty TNHH Ngôi Sao Đô Thị ở thôn Eo Son, xã Phú Nhuận. Trong không khí lao động đầu năm, anh Nguyễn Ba Dần, giám đốc công ty, cho biết: Nhận thấy nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến mặt hàng lâm sản xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Thanh phong phú, năm 2012 anh quyết định thành lập công ty chế biến ván ghép thanh xuất khẩu; đồng thời đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống dây chuyền chế biến gỗ xuất khẩu theo công nghệ của Malaysia. Công ty được huyện, xã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục hành chính. Đến nay, trung bình mỗi tháng công ty tiêu thụ khoảng 1.000 tấn nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu từ 80 đến 100m3 gỗ thành phẩm sang thị trường Malaysia. Năm 2020, Công ty TNHH Ngôi Sao Đô Thị xuất khẩu được 1.320m3 ván thanh nan, giá trị đạt gần 900.000 USD, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Tính đến tháng 2-2021, huyện Như Thanh đã có 7 doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu (XK) giày da và lâm sản, gồm: Công ty TNHH Giày Akalia Việt Nam; Công ty TNHH Xây dựng Thắng Phát ở xã Hải Long; Nhà máy chế biến lâm sản và nghiền phế phẩm làm nguyên liệu giấy xuất khẩu Đại Phát ở xã Xuân Khang; Công ty CP Sản xuất thương mại Tân Nhật Thanks, xã Thanh Kỳ; Công ty TNHH Ngôi Sao Đô Thị ở xã Phú Nhuận và một số cơ sở may gia công quần áo, túi xách. Các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường các nước, như: Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Để thu hút các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, huyện Như Thanh đã tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện; quy hoạch, định hướng vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, huyện có nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương. Tập trung cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, có một số doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư lớn, như: Công ty TNHH Giày Akalia Việt Nam ở xã Hải Long đã đầu tư 15 triệu USD, hiện tạo việc làm cho 3.000 lao động. Theo dự kiến quý 3-2021, công ty sẽ tạo việc làm cho 6.000 lao động. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Thanh vẫn đạt 14,1 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị cao, như: giày da xuất khẩu đạt 6 triệu đôi; gỗ thanh nan đạt 40.000m2; dăm gỗ đạt 150.000 tấn; quần áo may sẵn, may gia công đạt 450.000 sản phẩm... tạo việc làm cho trên 3.000 lao động.
Thời gian tới, huyện Như Thanh tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút tối đa các nguồn lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề huyện có tiềm năng, lợi thế, đặc biệt các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu, qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.