Huyện Quảng Xương (Thanh Hóa): Nhà thầu mất tích, 200 ha đất... 'đi hoang'
Nhiều tháng qua, hơn 200ha đất lúa của người dân xã Quảng Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) phải bỏ hoang hoặc để lúa bị khô hạn vì trạm bơm nước bị xiết nợ. Câu chuyện bi hài này khiến nhiều nông dân điêu đứng.
Hơn 200ha đất bị bỏ hoang
Toàn xã Quảng Phong có hơn 200ha đất nông nghiệp lấy nước phụ thuộc vào Trạm bơm Cầu Trào (huyện Quảng Xương). Những năm trước đây, trạm bơm này đã chủ động được lượng nước tưới, đảm bảo cho người dân gieo cấy đúng thời vụ. Năm 2018, UBND huyện Quảng Xương phê duyệt dự án Nâng cấp trạm bơm với tổng mức đầu tư hơn 4,9 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, trạm bơm sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 200ha nông nghiệp của xã Quảng Phong và một phần xã Quảng Hòa. Đơn vị trúng thầu dự án là Công ty cổ phần Xây dựng Phan Anh (Công ty Phan Anh). Sau khi trúng thầu, đơn vị này đã ký hợp đồng với ông Bùi Văn Đảng (ở địa phương) làm nhà thầu phụ. Trong quá trình thi công, ông Đảng có mua nguyên vật liệu, thiết bị của ông Nguyễn Hữu Nhương. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào đó khi dự án mới chỉ thi công được khoảng 40% khối lượng công trình thì ông Đảng đột nhiên “mất tích” khiến trạm bơm trở thành “vật thế chấp” cho gia đình ông Nhương.
Ghi nhận tại địa phương cho thấy, hơn 200ha lúa của người dân ở các thôn Đồng Thanh, Tri Hòa, Bái Vàng… bị khô hạn phải bỏ hoang. Thậm chí, nhiều diện tích lúa còn lại được người dân gieo sạ đang “chết dần” vì thiếu nước. Một điều dễ nhận thấy là các mương nước ở đây đều đã khô cạn, mặt ruộng nứt nẻ, tạo thành “tổ ong”, cây lúa đã gieo cấy vì thế cháy rụi vì thiếu nước.
Ông Bùi Sỹ Tâm (trú tại thôn Đồng Thanh, xã Quảng Phong) cho biết: “Trước đây, khi trạm bơm Cầu Trào còn hoạt động thì vào thời điểm này những cánh đồng lúa đã được người dân cấy xong. Từ khi trạm bơm được chính quyền đầu tư xây mới đến nay cũng là lúc những cánh đồng này bị thiếu nước, cây lúa sinh trưởng kém dẫn đến mất mùa khiến bà con chán nản, đành bỏ ruộng. Gia đình nhà tôi có 9 sào ruộng nhưng chỉ cấy được 6 sào ở vùng trũng sâu, còn 3 sào còn lại đành bỏ hoang cho cỏ mọc vì thiếu nước”.
Không chỉ diện tích lúa tại thôn Đồng Thanh bị bỏ hoang vì thiếu nước mà tại một số cánh đồng lúa ở các thôn Tri Hòa, Bái Vàng, Khang Thịnh, Chính Trung, Đông Đa… của xã Quảng Phong cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều diện tích đất được người dân cày bừa xong nhưng không thể gieo cấy vì mặt ruộng khô cằn không có nước. Bên cạnh đó nhiều luống mạ của người dân đành để cho bò ăn.
Nhìn đám ruộng đành bỏ hoang vì thiếu nước, bà Nguyễn Thị Thanh (ở thôn Tri Hòa) tiếc ngẩn ngơ. “Gia đình tôi có 8 sào đất lúa, vào vụ Đông Xuân năm trước gia đình tôi cấy chỉ được 4 sào, 4 sào còn lại bỏ hoang. Đến vụ này chúng tôi phải dậy từ 3-4 giờ sáng để ra đồng đào hố, vét nước nhưng cũng chỉ đủ cấy được 5 sào, lúa sống hay chết thì bây giờ chúng tôi cũng đành phó mặc cho ông trời, 3 sào còn lại đã làm đất xong nhưng không có nước cấy đành bỏ lại. Bao nhiêu tiền bạc thuê máy cày bừa, tiền mua giống đành bỏ đi, tiếc lắm nhưng không thể làm gì được. Hiện trạm bơm vẫn bị một cá nhân đóng cửa để xiết nợ nhà thầu phụ, khiến ruộng đồng của người dân thiếu nước nên đành bỏ hoang ruộng lúa”, bà Thanh nói.
“Quýt làm, cam chịu”
Ông Cao Tiến Lương - Chủ tịch UBND xã Quảng Phong cho biết: “Nếu những vấn đề liên quan đến trạm bơm không được giải quyết thì hơn 200ha đất nông nghiệp của địa phương có nguy cơ bỏ hoang lâu dài. Bước đầu, UBND xã Quảng Phong đã cử cán bộ đến nhà ông Nguyễn Hữu Nhương (là người hiện đang cất giữ chìa khóa trạm bơm Cầu Trào) đề nghị mở khóa trạm bơm. Tuy nhiên, ông Nhương không đồng ý với lý do “ông Đảng chưa trả tiền vay mua thiết bị máy móc của trạm bơm và nợ tiền mua vật liệu”.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Quảng Xương, ngày 17/5/2019, UBND huyện tổ chức họp với các phòng, ban cùng Công ty Phan Anh, ông Nguyễn Hữu Nhương và đi đến kết luận thống nhất rằng, trách nhiệm chủ yếu thuộc về phía Công ty Phan Anh. Theo đó, giao Công ty Phan Anh phải chịu trách nhiệm giải quyết nội bộ với các cá nhân có liên quan. Còn hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Nhương có trách nhiệm giao chìa khóa cho Công ty Phan Anh để lắp hệ thống điện và đưa trạm bơm vào hoạt động.
Làm việc với PV, đại diện Công ty Phan Anh cho rằng: “Trong thời gian thi công ông Đảng đã dùng danh nghĩa cán bộ kỹ thuật của Công ty Phan Anh để vay mượn tiền một số hộ dân ở xã Quảng Phong dùng cho việc mua vật liệu xây dựng, trả nhân công và trang thiết bị của trạm bơm. Ngoài ra, ông Đảng còn chiếm đoạt tiền của Công ty Phan Anh cho ông Đảng tạm ứng 1,7 tỷ đồng phục vụ thi công dự án và trả lương nhân công. Tuy nhiên, ông Đảng lại chiếm đoạt số tiền đã ứng và lừa đảo thêm nhiều hộ dân để vay tiền rồi bỏ trốn. Một số hộ dân cho ông Đảng vay tiền đã cản trở thi công, gây sức ép yêu cầu công ty phải trả nợ. Tất cả khoản nợ mà ông Đảng vay đều với danh nghĩa cá nhân, còn về phía Công ty Phan Anh là bên có liên quan. Chúng tôi đã kịp thời khắc phục bằng cách cho công nhân trở lại xây dựng, tiến hành dùng máy bơm dầu để bơm nước cho bà con kịp thời gieo cấy. Nhưng nhiều người dân vẫn cố tình cản trở, gây sức ép cho công ty, bắt công ty phải trả tiền thay ông Đảng”.
Có thể thấy, trong vụ việc này có phần vào cuộc chậm chạp, thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng huyện Quảng Xương. Hiện tại, hơn 200ha đất nông nghiệp có nguy cơ bị bỏ hoang hóa, trách nhiệm này thuộc ai? Câu hỏi này chúng tôi xin gửi đến lãnh đạo huyện Quảng Xương và tỉnh Thanh Hóa?
Ông Nguyễn Đức Lâm, Trưởng thôn Tri Hòa (xã Quảng Phong) cho biết: “Chính quyền các cấp cần sớm có biện pháp giải quyết, đưa trạm bơm vào hoạt động. Đừng vì những lợi ích cá nhân, tập thể mà đẩy hàng trăm gia đình nông dân vào cảnh phải bỏ ruộng như hiện nay”.