Huyện Sóc Sơn: Gỡ vướng mắc, đẩy nhanh xây dựng cụm công nghiệp
Huyện Sóc Sơn có 4 khu, cụm công nghiệp được quy hoạch để đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, các khu, cụm công nghiệp này vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Hiện các cơ quan chức năng của huyện đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án các khu, cụm công nghiệp.
Tắc ở khâu giải phóng mặt bằng
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) có diện tích hơn 20ha, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 26-6-2020 tại Quyết định số 2802/QĐ-UBND. Để triển khai dự án, UBND huyện Sóc Sơn giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và UBND xã Xuân Thu phối hợp với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong triển khai các bước giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thu Nguyễn Hữu Mạnh, hơn 4 năm qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền, phân công thành viên trong tổ công tác đến từng nhà vận động nhưng nhiều người dân vẫn không hợp tác. Những vướng mắc này đã cản trở tiến độ giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp.
Tính đến ngày 24-5, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Sóc Sơn mới chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được 103 thửa đất, diện tích 2,69ha; còn hơn 780 thửa đất với gần 18ha các hộ dân chưa nhận tiền. “Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chúng tôi đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư và các phòng, ban, đơn vị của huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền tới người dân về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất xây dựng cụm công nghiệp; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, xây dựng phương án cưỡng chế thu hồi đất, nếu người dân không hợp tác”, lãnh đạo UBND xã Xuân Thu khẳng định.
Tương tự, dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, thuộc địa bàn các xã: Tân Dân, Minh Trí, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006 với diện tích 300ha, do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng DĐK làm chủ đầu tư. Đến nay, khu công nghiệp mới tổ chức kiểm kê được 339 ngôi mộ, 25ha đất; thẩm tra dự thảo, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ được 6,13ha. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Quý cho biết, dự án chậm triển khai là do chủ đầu tư không bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng. UBND huyện Sóc Sơn đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng DĐK vẫn không cấp kinh phí như cam kết.
Ngoài ra, đối với Cụm công nghiệp CN2 và CN3 trên địa bàn xã Mai Đình và xã Tiên Dược, đến tháng 5-2024 còn khoảng 20% diện tích đất chưa được giải phóng mặt bằng, người dân có đơn thư khiếu nại chưa được giải quyết…, dẫn đến chậm triển khai.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của các khu, cụm công nghiệp, Huyện ủy Sóc Sơn đã chỉ đạo UBND huyện và các xã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, đối với Cụm công nghiệp CN2 và CN3, UBND huyện đang chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các xã Mai Đình, Tiên Dược giải quyết dứt điểm khiếu nại, đẩy nhanh tiến độ xác nhận nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất còn lại. Đối với Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, UBND huyện kiến nghị các sở, ngành cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đôn đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng DĐK bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng, sớm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu, để tháo gỡ khó khăn, ngoài việc thành lập các tổ, nhóm đến từng hộ dân tuyên truyền, cung cấp tài liệu liên quan đến dự án, quy định pháp luật về giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp…, Huyện ủy Sóc Sơn còn tổ chức đối thoại với các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án.
Tại cuộc đối thoại, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường khẳng định: Triển khai dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu có tính pháp lý chặt chẽ. Luật Đất đai hiện hành cũng quy định, Nhà nước được phép thu hồi đất để phát triển các dự án cụm công nghiệp làng nghề, người dân phải chấp hành đúng quy định, không xúi giục, gây cản trở cơ quan chức năng triển khai dự án. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường lưu ý, UBND huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tối đa về chế độ, chính sách cho người dân nhưng trên cơ sở thượng tôn pháp luật. “Phải quyết tâm thực hiện dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu để tạo động lực thúc đẩy các dự án khác, đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân. Do đó, rất mong người dân xã Xuân Thu ủng hộ cho dự án”, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường chia sẻ.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Quý cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với chính quyền các xã xây dựng phương án giải phóng mặt bằng chi tiết đến từng thửa đất và theo mốc thời gian cụ thể. Trong đó, đối với Cụm công nghiệp CN2, đơn vị phấn đấu hoàn thành phê duyệt phương án, thu hồi toàn bộ các thửa đất còn lại trước ngày 30-6-2024; Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu, song song với tuyên truyền, huyện và xã đang xây dựng phương án cưỡng chế và sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 7-2024. “Chúng tôi phấn đấu bàn giao mặt bằng 2 cụm công nghiệp này cho các chủ đầu tư trong quý III-2024 để khởi công hạ tầng cụm công nghiệp theo chỉ đạo của UBND thành phố”, ông Nguyễn Văn Quý thông tin.