Huyện Tam Nông phát huy thành quả, phát triển nhanh hơn theo hướng bền vững
Phóng viên (PV): Huyện Tam Nông trước đây là vùng đất nhiễm phèn nặng, nhiều người ví đây là “rốn lũ” của Đồng Tháp Mười nên gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Xin đồng chí điểm lại một số kết quả nổi bật của huyện 40 năm qua?
Đồng chí Huỳnh Thanh Sơn: Như chúng ta đã biết, Tam Nông là địa phương vô cùng khó khăn về mặt địa lý, nên trong những ngày đầu tái lập huyện, với ý thức trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, Đảng bộ huyện vừa khẩn trương sắp xếp ổn định bộ máy cán bộ, vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện công tác điều chỉnh ruộng đất, gắn với tổ chức tổ đoàn kết sản xuất, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã. Từ cuộc điều chỉnh này, toàn huyện đã cải tạo phát triển khá nhanh, từ 49 tập đoàn sản xuất thời điểm năm 1982 tăng lên 206 tập đoàn sản xuất, 2 liên tập đoàn sản xuất và 2 hợp tác xã, đưa 92% diện tích canh tác vào làm ăn tập thể. Bước đầu phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, đưa cây màu luân canh trên đất lúa, đồng thời kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển chăn nuôi gia đình, phát triển kinh tế hộ.
Công tác thủy lợi được huyện quan tâm với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Huyện đã huy động lao động đào đắp và nạo vét kênh thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất với hàng loạt công trình thủy lợi ra đời như: kênh 2/9, kênh Kháng Chiến, kênh Ranh, kênh Tân Công Sính 1,2, kênh Phú Thành, kênh Lung Bông, kênh Cà Dâm, kênh Mỹ Hòa...
Bên cạnh đó, huyện tập trung củng cố, xây dựng mở rộng cơ sở quốc doanh như: xí nghiệp gạch, xí nghiệp nước đá, xưởng cơ khí, xí nghiệp nước tương, nước mắm, xí nghiệp chế biến lâm sản... Về giao thông nông thôn kết hợp với thủy lợi được huyện quan tâm thực hiện, trọng tâm là phát triển thủy lợi nội đồng, phục vụ sản xuất.
Nhờ tính năng động, trong thời gian ngắn, Tam Nông tạo được nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ buôn bán hàng hóa hàng trăm triệu đồng. Cánh cửa giải quyết khó khăn đã mở, huyện lên sơ đồ quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, tạo nên bộ mặt mới ở vùng sâu.
Tam Nông có được như ngày hôm nay, chúng ta không thể không nhắc đến Chỉ thị 19 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 154/HĐBT ngày 14/12/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Sau khi tiếp thu Chỉ thị và Nghị quyết nêu trên, Huyện ủy Tam Nông đã quán triệt sâu sát, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện, từ đó công tác điều chỉnh ruộng đất, công việc tiến công khai thác Đồng Tháp Mười gắn với tổ chức tổ đoàn kết sản xuất, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã được nhanh chóng thực hiện. Đến cuối năm 1985, Tam Nông đã hoàn thành cơ bản công tác cải tạo nông nghiệp, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Trong những giai đoạn tiếp theo, với những chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chuyển đổi số... đã và đang được triển khai hiệu quả ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
PV: Được biết Tam Nông là một trong những địa phương thực hiện đạt nhiều kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Xin ông chia sẻ những điểm nhấn của huyện khi thực hiện chương trình, đề án lớn này?
Đồng chí Huỳnh Thanh Sơn: Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, huyện Tam Nông cùng với các địa phương khác tiến hành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tính đến nay, Tam Nông đã đạt chuẩn nông thôn mới 10/11 xã; phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tam Nông đã chọn 4 điểm nhấn để xây dựng nông thôn mới, đó là:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Tính từ năm 2012 đến nay, Tam Nông đã xã hội hóa được 48 cây cầu nông thôn, trị giá hơn 21 tỷ đồng; cứng hóa đường giao thông hơn 73km, trị giá trên 60 tỷ đồng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa.
Thứ hai, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã tập trung hỗ trợ chuyển đổi hơn 45 mô hình trong nông nghiệp; diện tích cánh đồng lớn năm 2022 là 67.386ha, chiếm 120% kế hoạch; diện tích từ 2 vụ lên 3 vụ khoảng 12.000ha. Ngoài ra, huyện luôn quan tâm đến công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện có 1.402 lao động được xuất cảnh, số tiền gửi về gia đình hơn 900 tỷ đồng; giới thiệu việc làm cho 40.000 lao động tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; mở 308 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 16.000 học viên tham gia học nghề. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt 56,9 triệu đồng.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia. Năm 2010, trên địa bàn huyện có 2/58 trường đạt chuẩn Quốc gia, thì hiện nay có 28/48 trường đạt chuẩn Quốc gia, tạo điều kiện rất tốt để con, em học tập.
Thứ tư, có lộ trình xây dựng và cải tạo các chợ truyền thống. Thời điểm năm 2010, toàn huyện có 2 chợ cơ bản hoàn thiện là chợ Tràm Chim và chợ An Long, đến nay, có 8 chợ (kể cả chợ Tràm Chim và An Long) được nâng cấp, mở rộng đảm bảo an toàn việc giao thương hàng hóa của người dân.
PV: Để phát huy hiệu quả, thế mạnh, giúp cho địa phương phát triển thịnh vượng và bền vững trong những giai đoạn tiếp theo, xin đồng chí cho biết những định hướng chiến lược của huyện?
Đồng chí Huỳnh Thanh Sơn: Để Tam Nông ngày càng phát triển, Đảng bộ Tam Nông sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Huyện quan tâm duy trì diện tích trồng cây ăn trái và phát triển chăn nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao ở những nơi có điều kiện; thực hiện nhiều hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, khuyến khích tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất tập trung; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo lộ trình xác định.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, vận dụng, thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Địa phương triển khai thực hiện tốt các công trình trọng điểm như: Khu Quảng trường kết hợp công viên văn hóa - thể thao - dịch vụ huyện, khu đô thị phía Nam đường Võ Văn Kiệt, khu đô thị mới chợ Tam Nông, khu đô thị mới An Long, chợ An Long mới; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống người dân tại thị trấn Tràm Chim.
Thứ ba, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và ý chí tự vươn lên; tiếp tục quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương; thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai các hoạt động đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Thứ tư, quảng bá, giới thiệu hình ảnh huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp thông qua du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư phát triển thể dục, thể thao học đường làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao. Chúng tôi rất quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học, chống học sinh bỏ học; thực hiện tốt chương trình trường đạt chuẩn Quốc gia; chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, tạo cơ hội việc làm cho người nghèo, gia đình chính sách để ổn định thu nhập.
Thứ năm, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, xây dựng chính quyền thân thiện, điều hành năng động, quản lý hiệu quả, trách nhiệm với Nhân dân; đẩy mạnh công tác dân vận, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thực hiện thường xuyên.
Thứ sáu, xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của cấp ủy, tổ chức Đảng; thường xuyên thực hiện công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Mỹ Lý (thực hiện)