Huyện Tân Lạc chăm lo cải thiện đời sống đồng bào dân tộc
Huyện Tân Lạc có 8,5 vạn người, trong đó có gần 7,4 vạn người là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo rà soát khu vực DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020, huyện có 14 xã khu vực III, 8 xã khu vực II và 2 xã khu vực I; trong số xã khu vực II có 16 thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Bùi Văn Tinh, Bí thư Huyện ủy Tân Lạc cho biết: Huyện thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách đối với vùng cao và đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, giữ vững QP-AN trên địa bàn.
Đối với Chương trình 135, từ năm 2016 - 2019, huyện thực hiện 108 công trình hạ tầng với tổng số vốn đầu tư trên 64,3 tỷ đồng, triển khai 2 công trình thủy lợi, 30 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 12 công trình giáo dục và 1 công trình nước sinh hoạt. Các công trình được triển khai dân chủ, công khai đã phát huy hiệu quả, cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng khó khăn. Các nội dung về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, duy tu, bảo dưỡng công trình, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở được triển khai hiệu quả. 3 năm qua, huyện đã thực hiện 72 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế với tổng mức đầu tư 14,3 tỷ đồng. Trong đó, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ giống, vốn đã góp phần đáng kể phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc. Riêng năm 2019, với nguồn kinh phí 3,9 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 3,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 228 triệu đồng) đang triển khai 17 dự án trên địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Từ năm 2016-2019, huyện thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí 2,2 tỷ đồng, trong đó thực hiện 1 mô hình hỗ trợ nuôi dê sinh sản tại xã Trung Hòa; 2 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Gia Mô và Lỗ Sơn; đang phân bổ kinh phí cho UBND các xã triển khai các mô hình năm 2019 với kinh phí 907 triệu đồng.
Huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác giúp đỡ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với nhiều hoạt động thiết thực như xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm QP-AN, triển khai nhiều hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thông qua thực hiện các chính sách dân tộc trên cơ sở lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác đã giúp đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc. Hạ tầng KT-XH vùng đồng bào dân tộc đổi thay rõ rệt. Hệ thống giáo dục được đầu tư đồng bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu giảng dạy và học tập. Đến nay, huyện có 25/60 trường học đạt chuẩn quốc gia. Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ. 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí. 100% xã có trạm y tế bảo đảm công tác vệ sinh phòng dịch, khám, chữa bệnh ban đầu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 19,66%, riêng vùng 135 còn 32,47%, thu nhập bình quân đầu người các xã vùng khó khăn đạt 23 triệu đồng/người/năm.