Huyện Tân Lạc - nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí thu nhập

Tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với các xã trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, huyện Tân Lạc còn nhiều xã chưa đạt tiêu chí này. Với những xã đã đạt chuẩn NTM thì việc giữ vững tiêu chí cũng gặp không ít khó khăn.

Tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với các xã trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, huyện Tân Lạc còn nhiều xã chưa đạt tiêu chí này. Với những xã đã đạt chuẩn NTM thì việc giữ vững tiêu chí cũng gặp không ít khó khăn.

Người dân xóm Đạy, xã Suối Hoa (Tân Lạc) phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Người dân xóm Đạy, xã Suối Hoa (Tân Lạc) phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Suối Hoa là xã thuộc khu vực III, nằm ở vùng thượng của huyện Tân Lạc. Xã có 8 xóm, 879 hộ, trên 4.000 nhân khẩu. Đặc thù là xã thuần nông, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, ngô và nuôi gia súc. Trong khi đó, hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại chậm phát triển. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 38 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,27%.

Đồng chí Bùi Văn Nhân, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Suối Hoa chia sẻ: Những năm qua, xã được quan tâm đầu tư từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại những khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hết năm 2023, xã hoàn thành 12/19 tiêu chí NTM. Đối với những tiêu chí chưa đạt (giao thông, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở…) là những tiêu chí khó hoàn thành. Xã đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.

Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn huyện Tân Lạc đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, các xã vẫn gặp khó với tiêu chí thu nhập.

Hết năm 2023, toàn huyện có 10/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay còn 5 xã chưa đạt chuẩn NTM là: Phú Vinh, Suối Hoa, Phú Cường, Vân Sơn, Ngổ Luông. Đây đều là các xã thuộc vùng khó khăn, điều kiện KT-XH còn hạn chế. Đặc biệt, tiêu chí số 10 về thu nhập ở các xã vùng khó khăn khó thực hiện. Nguyên nhân là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa được người dân chú trọng; còn tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của 5 xã mới đạt 38 triệu đồng. Trong khi đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM quy định phải đạt từ 42 triệu đồng/người/năm trở lên.

Đồng chí Đinh Duy Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Hầu hết các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 là các xã khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, khó huy động được nguồn lực xã hội hóa. Thời gian tới, để giúp các xã hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập, đòi hỏi chính quyền các địa phương tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất phù hợp. Trong đó, tiếp tục ưu tiên các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân, lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh cây trồng. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương và gắn với thị trường. Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn...

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/294/192287/huyen-tan-lac-nhieu-kho-khan-tr111ng-thuc-hien-tieu-chi-thu-nhap.htm