Huyện Tân lạc: Tập trung thực hiện chương trình phát triển KT-XH vùng dân tộc

Dân số trên địa bàn huyện Tân Lạc hiện có gần 90 nghìn người với nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 85%, dân tộc Kinh chiếm 14,5%, còn lại là các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Dao... Những năm qua, huyện luôn quan tâm nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn và đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Dân số trên địa bàn huyện Tân Lạc hiện có gần 90 nghìn người với nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 85%, dân tộc Kinh chiếm 14,5%, còn lại là các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Dao... Những năm qua, huyện luôn quan tâm nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn và đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Từ các chương trình, dự án hỗ trợ, phụ nữ xã Đông Lai (Tân Lạc) có thêm nguồn lực xây dựng mô hình trồng chanh leo vàng để tăng thu nhập.

Từ các chương trình, dự án hỗ trợ, phụ nữ xã Đông Lai (Tân Lạc) có thêm nguồn lực xây dựng mô hình trồng chanh leo vàng để tăng thu nhập.

Tháng 4/2017, cùng với sự kết nối, đồng hành của địa phương, HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến, xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) được tổ chức GNI (Hàn Quốc) hỗ trợ thành lập. Chị Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX cho biết: Lúc đó, chi hội phụ nữ xóm Biệng tích cực tuyên truyền, vận động chị em, đặc biệt là hội viên người DTTS phát triển các loại rau phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương theo quy trình VietGAP nhằm đảm bảo liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, nhất là rau su su. Trong thời gian hoạt động, 100% lao động nữ tại HTX được tổ chức GNI hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến thủ tục chứng nhận, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, rau su su Quyết Chiến đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và được khách hàng ở các tỉnh, thành phố ưa chuộng bởi chất lượng tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với thu nhập của hội viên, phụ nữ, thành viên HTX tăng lên, góp phần ổn định cuộc sống của nhiều nữ lao động trên địa bàn.

Huyện Tân Lạc có 16 xã, thị trấn; có 146/159 xóm, khu thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, có 6 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 22 xóm ĐBKK thuộc các xã khu vực I. Do đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các xã, thôn, bản ĐBKK được huyện quan tâm. Từ đầu năm, UBND huyện đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023, bao gồm cả vốn năm 2022 chuyển sang là 29.700 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Mỹ Hòa với mức đầu tư 3 tỷ đồng đang được thi công xây dựng, khối lượng thi công ước đạt 10%; đã có 20/45 hộ người DTTS trên địa bàn đủ điều kiện để được phê duyệt danh sách hỗ trợ về nhà ở. Ngoài ra, với 1 tỷ đồng từ vốn kế hoạch năm 2022, có 5 công trình nhà văn hóa xóm được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa.

Bên cạnh đó, để tạo sinh kế cho người dân, huyện tập trung thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong năm, từ kinh phí trên 1,3 tỷ đồng, 15 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng được thực hiện. Đến nay, đã giải ngân 110 triệu đồng, đạt 8,15% thực tế phân bổ. Có 7 mô hình được UBND huyện phê duyệt dự án, 6 mô hình đang được UBND các xã hoàn thiện sau thẩm định để trình phê duyệt.

Không chỉ thực hiện các chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục cũng được huyện Tân Lạc quan tâm. Trong đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho con em người DTTS học tập, Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 với tổng kinh phí 3 tỷ đồng được triển khai. Ngay sau khi được giao dự toán, các đơn vị căn cứ nhiệm vụ của mình tập trung sửa chữa, bảo dưỡng một số công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá, các công trình sinh hoạt, tập luyện cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; mua trang thiết bị phục vụ đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các hoạt động như: hỗ trợ vật tư, dụng cụ, tài liệu phục vụ sinh hoạt theo nhu cầu thực tế cho câu lạc bộ Mo Mường; tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian... đang được thẩm định dự toán.

Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là chương trình có nguồn vốn lớn, với nhiều dự án, tiểu dự án được đầu tư, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội của nhân dân trên địa bàn huyện. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện, hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, người dân, nhóm cộng đồng ở cơ sở, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Đến thời điểm này, đối với nguồn vốn đầu tư, huyện đã thực hiện giải ngân 19.711 triệu đồng, đạt 27,3% so với kế hoạch giao, đạt 30,7% so với thực tế đã phân bổ. Với kinh phí sự nghiệp, huyện giải ngân trên 4,3 tỷ đồng, đạt 10,39% so với tổng số vốn đã cấp. Các dự án, tiểu dự án đã được giao dự toán tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành theo kế hoạch.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/183749/huyen-tan-lac-tap-trung-thuc-hien-chuong-trinh-phat-trien-kt-xh-vung-dan-toc.htm