Huyện Tân Lạc: Vốn chính sách tạo đà cho nông dân phát triển kinh tế

Những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Tân Lạc tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát huy tốt vai trò ủy thác các nguồn vốn vay, làm cầu nối giúp hội viên phát triển kinh tế. Nhờ đó, các cấp hội đã giúp hội viên nông dân (HVND) xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi.

Những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Tân Lạc tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát huy tốt vai trò ủy thác các nguồn vốn vay, làm cầu nối giúp hội viên phát triển kinh tế. Nhờ đó, các cấp hội đã giúp hội viên nông dân (HVND) xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi.

Từ nguồn vốn chính sách, nông dân thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) có nguồn lực phát triển mô hình trồng cây ăn quả có múi.

Từ nguồn vốn chính sách, nông dân thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) có nguồn lực phát triển mô hình trồng cây ăn quả có múi.

Chúng tôi đến xóm Chuông, xã Mỹ Hòa thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Bùi Hồng Phi - một trong những hộ được vay và sử dụng vốn chính sách hiệu quả để phát triển kinh tế. Với sự cần cù, hiện gia đình ông sở hữu mô hình chăn nuôi trâu sinh sản kết hợp trồng mía tím mang lại thu nhập khá. Ông Phi cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn vì không có vốn đầu tư. Năm 2017, gia đình được kết nối và vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Không chỉ tập trung trồng trọt, chăn nuôi, gia đình vừa phải đảm bảo trả lãi, nợ đúng hạn cho ngân hàng. Nhờ đó mà những đồng vốn vay đã sinh lời, giúp gia đình dần trang trải được các khoản chi phí. Đến nay, thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn, đã xây được ngôi nhà khang trang sau những năm miệt mài lao động.

Ông Phi là một trong nhiều hộ HVND trên địa bàn huyện Tân Lạc đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Đồng chí Bùi Văn Tân, Chủ tịch HND huyện Tân Lạc cho biết: Xác định hỗ trợ vốn và định hướng cho HVND xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với thực tiễn có vai trò quan trọng giúp hội viên nâng cao thu nhập. Do vậy, các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền để bà con hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi và định hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư các mô hình sản xuất có hiệu quả. Đồng thời, dựa trên điều kiện thực tế, HND huyện giao chỉ tiêu về tăng trưởng nguồn vốn ủy thác với Phòng giao dịch NHCSXH huyện đến HND các xã, thị trấn và đề nghị các hội cơ sở tích cực phát huy vai trò cầu nối "dẫn vốn” đến HVND.

Để nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, Hội quán triệt các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ. Hàng tháng, Hội họp giao ban để đôn đốc việc thu nợ, thu lãi của hộ vay, đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, chính sách cho vay mới. Công tác kiểm tra việc sử dụng vốn của HVND cũng được Hội phối hợp Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện nghiêm túc.

Cùng với đó, xác định nâng cao kiến thức cho HVND là yếu tố quan trọng giúp hội viên phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, HND huyện Tân Lạc thường xuyên phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật cho HVND. Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 32 lớp dạy nghề cho trên 1.000 HVND; 29 lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 1.475 hội viên. Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt, Hội chủ động lựa chọn các gương điển hình trong SXKD giỏi để chia sẻ kinh nghiệm đến các hội viên cùng học tập.

Hiện, các cấp HND huyện quản lý tổng dư nợ hơn 130,3 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ HVND vay. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu bằng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh tổng hợp, dịch vụ... Giai đoạn 2021 - 2023, bình quân hàng năm có trên 7.600 hộ đăng ký và trên 4.330 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi, chiếm 56,9% tổng số hộ nông dân trên địa bàn. Hiệu quả từ vốn chính sách đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả SXKD của các hộ nông dân như: mô hình trồng rau su su (xã Quyết Chiến, Vân Sơn); trồng cây có múi hữu cơ, VietGAP (xã Thanh Hối, Tử Nê, Đông Lai); nuôi gà, cá lồng (xã Suối Hoa, Phong Phú); nuôi dê (xã Phú Vinh, Phú Cường)...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/193640/huyen-tan-lac-von-chinh-sach-tao-da-cho-nong-dan-phat-trien-kinh-te.htm