Huyện Tân Yên tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải sớm
Sáng 23/5, tại thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang), UBND huyện tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải sớm năm 2025.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, doanh nghiệp trong và ngoài nước có hợp tác tiêu thụ vải cùng đông đảo thương nhân, hợp tác xã, người dân trên địa bàn.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác tiêu thụ vải.
Vụ này, huyện Tân Yên có 1.250 ha vải chín sớm với sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn (tăng khoảng 500 tấn so với vụ trước). Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 900 ha. Huyện có 33 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Thái Lan, Úc... Vải sớm Tân Yên có chất lượng vượt trội, ngon và đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Hằng năm, UBND huyện Tân Yên thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất vải, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới và giám sát nghiêm ngặt toàn bộ chuỗi sản xuất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong khảo sát, mở rộng vùng vải xuất khẩu, giám sát việc tuân thủ quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Công tác truyền thông, quảng bá và kết nối tiêu thụ vải được triển khai đồng bộ, sớm và hiệu quả.

Đồng chí La Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tân Yên nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong công tác thu hoạch, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực nhằm bảo đảm một mùa vụ thành công, hiệu quả”. Huyện kỳ vọng tiếp tục nhận được sự đồng hành của các đơn vị logistics, sàn thương mại điện tử và truyền thông để vải sớm Tân Yên được biết đến rộng rãi hơn trên thị trường.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày vải sớm Tân Yên.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ vải lớn như: Công ty Dragonberry Produce, Tập đoàn Central Retail, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm toàn cầu, Công ty cổ phần Xuất, nhập khẩu VIFOCO… khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, tăng sản lượng thu mua, mở rộng các kênh phân phối trong và ngoài nước.
Nhiều doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các hợp tác xã, trưởng mã vùng trồng để tiêu thụ sản phẩm trực tiếp từ địa phương. Đại diện các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Viettel Post và Bưu điện tỉnh cũng tham gia ký kết hợp tác nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ vải sớm Tân Yên qua nền tảng trực tuyến.
Bà Amy Nguyễn, Chủ tịch Công ty Dragonberry Produce phát biểu tại hội nghị.
Nhiều ý kiến đề xuất huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh vải sớm Tân Yên thông qua truyền thông số, mạng xã hội, gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Phát biểu tại đây, đồng chí La Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Tiêu thụ là khâu then chốt, do đó địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường xúc tiến ở thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh thương mại điện tử, chuyển đổi số và mở rộng liên kết chuỗi.
Vải sớm Phúc Hòa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trong đó chú trọng việc đóng gói sản phẩm, thực hiện đúng quy cách theo yêu cầu của đơn vị thu mua; tiếp tục quan tâm về hạ tầng giao thông, điện để bảo đảm các hoạt động phụ trợ. Đồng thời, quan tâm tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm vải sớm; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, quản lý cư trú đối với thương nhân nước ngoài đến thu mua tại địa phương.
Hội nghị là sự kiện quan trọng mở đầu cho mùa thu hoạch vải chín sớm năm 2025, thể hiện quyết tâm của huyện Tân Yên và tỉnh Bắc Giang trong việc nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người dân.