Huyện Thanh Liêm (Hà Nam) kỷ niệm 70 năm trận chiến đấu chống càn tại Chanh Chè
Sáng 21-5, tại Hà Nam, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Liêm long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến đấu chống càn tại thôn Chanh Chè, xã Thanh Tâm (21-5-1954 / 21-5-2024). Đây là trận chiến chống càn oanh liệt, có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng bộ, quân và dân huyện Thanh Liêm.
Tham dự lễ kỷ niệm có đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Liêm; đại diện lãnh đạo Quân đoàn 12 và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Thanh Tâm cùng các cựu chiến binh, du kích địa phương và bà con nhân dân trong xã. Đại biểu lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân có các đồng chí: Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập và Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập.
Cách đây 70 năm, ngày 21-5-1954 tại mặt trận đồng bằng đã diễn ra trận chiến đấu chống càn oanh liệt, bi hùng của bộ đội ta với binh đoàn chủ lực của quân Pháp tại thôn Chanh Chè, xã Thanh Tâm. Địch huy động hơn 1.300 quân từ Phủ Lý, bốt Tâng (Thanh Hương), bốt Cõi (Liêm Cần), với sự yểm trợ của 8 máy bay, 50 xe lội nước…, mở trận càn lớn vào các thôn Chanh Chè, Trà Châu, Khe Đá, Thong, Sở... (xã Thanh Tâm). Được sự phối hợp của bộ đội, du kích, nhân dân địa phương, bộ đội chủ lực của ta đã chiến đấu ngoan cường, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch. Trước thất bại và bị thương vong lớn, quân Pháp điên cuồng ném bom, bắn phá dữ dội vào khu vực núi Chùa, nơi tập trung chủ yếu lực lượng của ta, làm hàng trăm chiến sĩ bộ đội, du kích hy sinh, nhiều người bị vùi lấp dưới khe suối.
Sau trận chống càn, đơn vị bộ đội chủ lực lại khẩn trương cơ động đi đánh địch ở nơi khác; du kích và nhân dân địa phương đã tìm kiếm, chôn cất hàng trăm liệt sĩ. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Tâm có hơn 200 ngôi mộ chưa xác định được danh tính; chính quyền, nhân dân địa phương luôn tưởng nhớ, tri ân nhưng không biết các anh thuộc đơn vị nào.
Sau một thời gian dày công tìm hiểu, gặp gỡ nhân chứng, xác minh tư liệu, đăng bài trên báo chí…, tháng 5-2009, nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 55 năm trận chiến chống càn, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức gặp mặt nhân chứng lịch sử và hội thảo về trận chống càn tại Chanh Chè.
Qua hội thảo kết hợp với các tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng đã xác định: Các đơn vị bộ đội chủ lực tham gia trận chiến đấu ngày 21-5-1954 là Trung đoàn 95 (Ðại đoàn 325) và Trung đoàn 48 (Ðại đoàn 320). Trong điều kiện chiến đấu bất lợi, khi Tiểu đoàn 227 (Trung đoàn 95) vừa hành quân đến tiếp nhận địa bàn do Trung đoàn 48 bàn giao, chưa có điều kiện củng cố công sự trận địa, lại phải đối đầu với hai binh đoàn chủ lực mạnh của quân Pháp và ngụy, có máy bay, xe lội nước yểm trợ.
Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta được sự giúp đỡ, phối hợp của du kích, nhân dân địa phương đã chiến đấu kiên cường, tiêu diệt và làm bị thương hơn 300 tên địch, bắn cháy 5 xe các loại, buộc chúng phải rút lui, bảo vệ được nhân dân, làng mạc, mùa màng...
Tuy nhiên, trong trận chiến ác liệt này, riêng Trung đoàn 95 đã có 175 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và mất tích, 108 đồng chí bị thương, phần lớn là các chiến sĩ quê ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ núi Chùa hiện mới xác định được danh tính và khắc tên của hơn 70 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, du kích hy sinh và được công nhận là liệt sĩ.
Trận chiến đấu chống càn tại Chanh Chè ngày 21-5-1954 là một trong những sự kiện lịch sử hào hùng, oanh liệt nhất của bộ đội chủ lực phối hợp với quân và dân Hà Nam trong kháng chiến chống Pháp. Thể theo nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân địa phương, thân nhân các Anh hùng Liệt sĩ, Khu Di tích lịch sử núi Chùa, diện tích hơn 60ha được xây dựng và cơ bản hoàn thành năm 2011, được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Diễn văn lễ kỷ niệm do đồng chí Hoàng Mạnh Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Liêm trình bày nhấn mạnh: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Liêm là căn cứ địa vững chắc của tỉnh, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến để tác chiến tiến công địch; là nơi trú quân, huấn luyện của bộ đội chủ lực trong các chiến dịch. Đặc biệt, nhân dân Thanh Liêm giàu lòng yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Trên vùng đất này, trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có như: Nữ tướng Cao Thị Liên, Phạm Thị Phúc, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Danh tướng Trần Bình Trọng, Vũ Cố, Lê Tung, Bình tây tướng quân Đinh Công Tráng...
Phát huy truyền thống ông cha trong dựng nước và giữ nước, Đảng bộ chính quyền, LLVT và nhân dân huyện Thanh Liêm luôn đoàn kết, nỗ lực cố gắng, xây dựng quê hương Thanh Liêm giàu đẹp, văn minh. Năm 2023, thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn 1.536 tỷ đồng, đạt 127% so với cùng kỳ; 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023 huyện Thanh Liêm đánh giá, xếp loại là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đứng đầu trong khối thi đua của 6 đơn vị huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Năm 2024, huyện Thanh Liêm tiếp tục phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu; đồng thời hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; phấn đấu trước năm 2030 huyện Thanh Liêm đạt tiêu chí thị xã.
Đồng chí Hoàng Mạnh Dũng khẳng định: Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân huyện Thanh Liêm nguyện tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, chung sức, chung lòng, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Liêm luôn ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách hậu phương quân đội. Đó chính là những việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ.
Trước đó, chiều 20-5, địa phương đã tổ chức viếng Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Tâm, nơi an nghỉ của hơn 200 liệt sĩ và tổ chức cầu siêu, thắp nến tri ân các liệt sĩ hy sinh trong trận chiến chống càn tại thôn Chanh Chè.