Huyện Thanh Miện (Hải Dương): Doanh nghiệp đua nhau san lấp mặt bằng không phép, bất chấp quy định

Người dân xã Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) phản ánh về việc Dự án Cụm công nghiệp Đoàn Tùng II mới hoàn thành phần GPMB, chưa được bàn giao đất, chưa đầy đủ thủ tục giấy tờ nhưng Công ty TNHH Hòa Quần đã tự ý san lấp 9,7 ha bất chấp quy định của pháp luật.

Người dân cảm thấy "ám ảnh" mỗi khi các phương tiện chuyên chở vật liệu san lấp dự án trên địa bàn huyện Thanh Miện xuyên qua khu dân cư.

Người dân cảm thấy "ám ảnh" mỗi khi các phương tiện chuyên chở vật liệu san lấp dự án trên địa bàn huyện Thanh Miện xuyên qua khu dân cư.

Hàng loạt vi phạm có hệ thống

Tháng 10/2019, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Đoàn Tùng II với tổng diện tích là 46,5 ha (thuộc xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện). Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Hòa Quần (địa chỉ ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) với tổng số vốn là 321 tỷ đồng. Dự kiến, Cụm công nghiệp này sẽ đi vào hoạt động từ quý III năm 2021.

Người dân sống tại xã Đoàn Tùng cho biết, mặc dù chưa được bàn giao đất, chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thế nhưng Công ty TNHH Hòa Quần đã cho xe tải chung chuyển vật liệu tiến hành san lấp dự án. Không những thế, việc các đoàn xe tải chở vật liệu san lấp từ bãi tập kết thuộc địa phận ngoài đê xã Thanh Giang xuyên qua khu dân cư đến dự án Cụm công nghiệp gây bụi mù mịt đã khiến người dân vô cùng bức xúc. Mặt khác, lý do người dân phản đối việc Công ty TNHH Hòa Quần san lấp mặt bằng là bởi còn 12 hộ chưa đồng thuận việc đền bù, thu hồi đất.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện - ông Nhữ Văn Cúc cho biết: “Hiện Công ty này đã được bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án rồi. Người dân đã đồng thuận và huyện đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, để xảy ra tình trạng công ty thi công trước khi có quyết định bàn giao đất, chính quyền địa phương có trách nhiệm thế nào trong công tác quản lý đất đai tại địa phương, trong khi huyện Thanh Miện không phải lần đầu xảy ra tình trạng tương tự như Công ty TNHH Hòa Quần? Ông Cúc trả lời rằng: “Huyện đã báo cáo Sở TN&MT tỉnh Hải Dương và đã có kết luận, kết quả thế nào các anh cứ hỏi Sở TN&MT tỉnh, doanh nghiệp do tỉnh quản lý, chỉ đóng trên địa bàn huyện”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải lần đầu tiên huyện Thanh Miện để xảy ra tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện dự án theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng đất đai tại địa phương, gây hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường.

Điển hình là năm 2019, có đến 3 doanh nghiệp vừa bị Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương xử phạt hành chính do xây dựng không có phép tại Cụm Công nghiệp Đoàn Tùng (xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện).

Cụ thể, vào thời điểm bị xử phạt, Công ty TNHH Thương mại Bình Nguyên đang triển khai thực hiện dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Cụm Công nghiệp Đoàn Tùng. Dự án có tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng, sản lượng khoảng 5,5 triệu sản phẩm/năm. Mặc dù, chưa được cấp giấy phép xây dựng, công ty này đã xây nhiều hạng mục công trình.

Cũng tại Cụm công nghiệp Đoàn Tùng, Công ty TNHH Leotech Việt Nam triển khai thi công nhiều hạng mục công trình như xây dựng 3 nhà xưởng, nhà văn phòng, nhà ăn và các hạng mục phụ trợ khi không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng.

Tại lô CN 01 Cụm công nghiệp Đoàn Tùng, Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam triển khai thi công Nhà máy sản xuất cần câu cá với nhiều hạng mục công trình như: nhà xưởng chính, nhà để xe, nhà ăn công nhân và các hạng mục phụ trợ mà không có giấy phép xây dựng.

Trước những vi phạm trên, ngày 03/4/2019, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương đã ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trên.

Cụ thể, tại quyết định 14/QĐ-CPVPHC, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt công ty TNHH Leotech Việt Nam số tiền 50 triệu đồng do vi phạm quy định về trật tự xây dựng khi tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép; vi phạm quy định tại điểm c, khoản 5, điều 15 Nghị định 139/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tương tự, Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Bình Nguyên, mỗi công ty bị xử phạt 50 triệu đồng.

Đáng chú ý theo các quyết định xử phạt hành chính trên cho thấy, 3 công ty trên đều có tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính nhiều lần.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến sự việc địa phương thường xuyên để xảy ra tình trạng doanh nghiệp tự ý san lấp đất dự án, xây dựng các công trình khi chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM) dẫn giải: San mặt bằng hoặc san lấp mặt bằng, là công việc thi công san phẳng nền đất một công trình xây dựng hay một mặt bằng quy hoạch, từ một mặt đất có địa hình tự nhiên cao thấp khác nhau.

Khoản 25 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Điều 12 Luật đất đai cũng nghiêm cấm những hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất đai, không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất...

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 91 năm 2019 thì chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp, trong đó có việc tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép.

“Do vậy, việc tự ý san lấp khi chưa có quyết định giao đất thì ngoài xử phạt hành chính, người có hành vi hủy hoại đất, chiếm đất còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017”, ông Bình cho hay.

Theo quan điểm của Luật sư Bình, riêng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai, Điều 207 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;

- Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;

- Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.”

Đình Quế - Việt Phương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/huyen-thanh-mien-hai-duong-doanh-nghiep-dua-nhau-san-lap-mat-bang-khong-phep-bat-chap-quy-dinh-54296.html