Huyện Thanh Oai dừng đấu giá gần 200 thửa đất, trả lại tiền cọc

Sát ngày phiên đấu giá đất, UBND huyện Thanh Oai bất ngờ thông báo dừng tổ chức hai phiên đấu giá đất với 197 thửa và trả lại tiền cọc cho những nhà đầu tư tham gia.

Huyện Thanh Oai dừng đấu giá 197 thửa đất

UBND huyện Thanh Oai vừa có thông báo dừng tổ chức các cuộc đấu giá đối với 197 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Lý do là để đảm bảo công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện đúng theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

UBND huyện cho biết, sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ cùng các điều kiện pháp lý đảm bảo theo chỉ đạo của UBND TP, huyện sẽ tiếp tục thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Ngay sau đó, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam - đơn vị tổ chức đấu giá cũng có thông báo dừng tổ chức các cuộc đấu giá 58 thửa đất và 73 thửa đất tại khu vực Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Theo thông báo này, các khách hàng sẽ được hoàn lại tiền mua hồ sơ và tiền đặt trước đã nộp.

 Huyện Thanh Oai tiếp tục dừng đấu giá đất. Ảnh VNM.

Huyện Thanh Oai tiếp tục dừng đấu giá đất. Ảnh VNM.

Trước đó, đơn vị tổ chức đấu giá đã thông báo đấu giá quyền sử dụng 58 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man (thuộc dãy ONT-07 và ONT-08), dự kiến diễn ra vào sáng 5/10.

Các thửa đất có diện tích từ hơn 76-189 m2, giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Khách hàng tham gia đấu giá đất phải nộp trước khoảng 81-201 triệu đồng.

Đối với 73 thửa đất khác tại cùng khu vực, cũng có giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Diện tích từ 87,5 - 161m2, tương đương từ 463 triệu đồng đến 926 triệu đồng/thửa. Số tiền đặt cọc cho mỗi thửa từ 93 - 185 triệu đồng. Phiên đấu giá này dự kiến tổ chức vào ngày 19/10.

Huyện Thanh Oai được chú ý bởi phiên đấu giá hôm 10/8 với giá trúng cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2 sau đó xuất hiện tình trạng bỏ cọc. Địa phương này cũng đã đã tạm dừng nhiều phiên đấu giá đất sau đó... UBND huyện cho biết sẽ thông báo tổ chức lại cuộc đấu giá sau khi rà soát pháp lý, điều kiện, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến dừng đấu giá đất, ngày 23/9 vừa qua, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia cho biết dừng phiên đấu giá 26 thửa đất vào cuối tháng 9. Việc này được thực hiện theo yêu cầu UBND huyện để rà soát công tác đấu giá theo quy định hiện hành.

Khách hàng nộp đặt cọc, mua hồ sơ đấu giá sẽ được nhận lại tiền. Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức lại, sau khi có quyết định và đề nghị của UBND huyện Đan Phượng.

Trước đó, phiên đấu giá được duyệt tổ chức vào sáng 30/9. 26 lô đất tại khu Đồng Sậy - Trẫm Sau, thị trấn Phùng có diện tích 55-99,5 m2, giá khởi điểm hơn 14 triệu đồng một m2. Với mức này, tiền cọc mỗi lô khoảng 154 - 278 triệu đồng. Theo quy định, nhà đầu tư tham gia phải qua 5 vòng đấu giá bắt buộc, bước giá 10 triệu một m2. Như vậy, mức tối thiểu để họ có thể trúng đấu giá tại khu đất trên là 54 triệu đồng một m2. Phương thức này giống với phiên đấu giá hôm 20/8 ở huyện Hoài Đức - nơi có hơn chục lô trúng trên 100 triệu một m2, cao nhất hơn 133 triệu một m2.

Huyện Đan Phượng cũng thông báo hoãn phiên đấu giá 26 thửa đất tại khu Trũng Vỡ, xã Tân Hội vào ngày 5/10.

Làm rõ dấu hiệu bất thường về đấu giá đất tại Thanh Oai và Hoài Đức

Ngày 3/10, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế, xã hội quý III năm 2024 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan về các cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có dấu hiệu bất bình thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng người tham giá đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh đầu cơ;tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá, sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc), nhằm mục đích làm giá, thổi giá gây nhiễu loạn giá thị trường vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Ngoài ra, trên địa bàn xuất hiện tình trạng người tham giá đấu giá những ô nhỏ, lẻ không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý.

Trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành có biện pháp cụ thể. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án đầu tư theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Cùng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy định của pháp luật đất đai hiện hành tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình UBND thành phố quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định; kịp thời cập nhật, phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xác định giá đất.

Về triển khai, tổ chức đấu giá, phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của Trung ương, thành phố và địa phương theo quy định. UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.

Theo ông Nguyễn Minh Tấn, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá. Đồng thời, truất quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác theo quy định.

Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá; đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định. Ngoài ra, UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường, công bố danh sách công khai.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/huyen-thanh-oai-dung-dau-gia-gan-200-thua-dat-tra-lai-tien-coc.html