Huyền thoại Cọp Khánh Hòa

Nói đến Khánh Hòa là người ta nhớ đến câu phương ngôn 'Cọp Khánh Hòa - Ma Bình Thuận'. Có chăng Khánh Hòa là vùng lắm cọp? Kể ra cũng đúng nhưng chưa đúng hẳn. Thiếu gì nơi có cọp, mà cũng là cọp dữ, không riêng gì Khánh Hòa. Có lẽ vì những câu chuyện về cọp dưới đây mà ra.

Chuyện kể rằng hồi chúa Nguyễn xây dựng cơ nghiệp trong Nam, vùng này có hai vợ chồng ông Trịnh sống trong rừng núi. Ông Trịnh có sức khỏe, lại sống lâu ở chốn sơn lâm, nên được cọp coi như người trong nhà và sống quấn quýt, thân thiện với vợ chồng ông.

Trong quá trình mở mang đất đai, khai phá non sâu rừng rậm, chúa Nguyễn phải đối phó với nhiều lực lượng, nhiều phe phái. Có những tin tức cho biết rằng vợ chồng ông Trịnh cũng là người thuộc phe chống đối. Quân chúa Nguyễn tìm cách lùng bắt, cuối cùng bắt được ông Trịnh và đem về thành lỵ (nay là Nha Trang) và kết án tử hình.

Bà vợ ông được tin, suốt ngày than khóc, tâm sự cùng cọp! Cọp hiểu sự tình, liền gọi cả họ hàng cọp ở trong rừng ra, kéo xuống pháp trường để giải cứu cho ông Trịnh. Nhưng bầy cọp vừa đến nơi, thì đầu ông Trịnh đã bị đao phủ chém lìa khỏi cổ. Cả bầy cọp thất vọng, chạy nhớn nhác lung tung, gầm thét vang trời. Chúng lồng lên phá phách làm cho quân lính và dân chúng bỏ chạy tán loạn, tìm lối thoát thân. Mãi đến xế chiều, pháp trường chỉ còn là bãi trống tan hoang, cọp mới chịu rút về trong núi. Từ đó cái tin cọp Khánh Hòa đại náo pháp trường lan truyền đi khắp trong nước, khiến cho mỗi lần nói đến Khánh Hòa là người ta rùng mình sởn gáy vì cọp.

Cảnh người dân bắt cọp.

Tại núi Phú Ngư, tục danh là núi Ổ Gà – Núi nằm phía Bắc cách thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chừng 3 cây số, phía Tây đèo Bánh Ít. Núi không cao nhưng rậm rạp, nên cọp rất nhiều. Vì núi nào hễ có rừng rậm là có cọp. Cọp Ổ Gà lại nhiều hơn các vùng sơn lâm trong tỉnh. Truyền rằng cọp kéo ra từng đàn như đàn bò, cho nên phương ngôn cũng có câu “Cọp Ổ gà” là vậy!

Cọp tuy nhiều, nhưng cọp Ổ Gà cũng như các nơi khác rất nhát gan, hễ thấy người thì lo tránh. Cho nên người lịch lãm thường nói: “Hiền như cọp Khánh Hòa”.

Thời Pháp thuộc, đời Duy Tân (1907-1916), nhà Chí sĩ Trần Cao Vân vào Khánh Hòa vận động cách mạng. Không có kết quả, than cùng một ông bạn: “Nhân sĩ Khánh Hòa hiền lành quá!”. Ông bạn cười đáp: “Cọp còn thế huống chi người!”.

Lại có câu chuyện tiếu lâm kể rằng ở các nơi gần rừng núi, cọp thường ra chơi cùng các em mục đồng. Đôi bên coi nhau như người trong tứ hải, có gì ngon đều đãi nhau. Một hôm một em bé chơi nghịch lấy tay bóp dái cọp chúa đàn. Đau điếng ruột, cọp thét lên một tiếng, bỏ chạy về núi một hơi. Cả bầy thất kinh, ùn ùn chạy theo hết. Từ ấy, không dám làm thân cùng người nữa, và hễ thấy người thì nguýt một cái rồi tránh xa.

Cọp hiền là do thủy thổ. Cũng như người, cọp “dĩ hòa vi quý”. Bởi vậy, tuy xứ nhiều cọp cổ nhân vẫn xem mặt đặt tên: Khánh Hòa. Vì cọp hiền nên Khánh Hòa ít bị hổ loạn. Năm khi mười họa, nếu có kẻ bị rủi ro thì tiếng đồn khắp tỉnh.

Như ở Vạn Ninh (Khánh Hòa), ngày xưa có một ông tiều tục gọi là Lảo Hảo, bị cọp Dốc Thị chụp tuột da đầu. Nếu sự việc xảy ra ở Phú Yên hay Bình Định thì thường quá. Nhưng ở Khánh Hòa, cọp chụp người là chuyện hi hữu, nên địa phương mới có câu “tuột da lảo hảo” truyền cho đến ngày nay.

Chuyện liên quan đến cọp còn khá nhiều. Nghe đồn rằng gân cọp ướp ngũ vị hương, tẩm vài vị thuốc ăn khá ngon. Thịt cọp bầm thêm nấm đông cô, hạt sen, đậu xanh là món “chả cọp” dành cho vua chúa. Cọp trước kia là vị tiên, tên Phạm Nhĩ, bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian, hễ gặp người mang họ Phạm, cọp thương người cùng một họ, chẳng bao giờ ăn thịt. Võ sĩ nào luyện được thế “Bích hổ công”, “Bích hổ du tường” thì có thể dùng những ngón tay cứng như móng cọp mà bám vào tường, trèo lên như chơi.

Cọp đực có thể “ân ái” sáng đêm không mệt, vì vậy uống “cao hổ cốt” người đàn ông khỏe ra. Hồ Xuân Hương đã dùng chữ khéo léo trong câu thơ “Này, này, chị bảo cho mà biết. Chốn ấy hang hùm chớ mó tay!” Còn bao nhiêu từ ngữ như “thả hổ về rừng”, “cưỡi lưng cọp”, “tửu nhập tâm như hổ nhập lâm” v.v… Cọp bị săn đuổi vì da cọp, răng cọp, xương cọp… đều là những món hàng cao giá trên thị trường. Hơn nữa, đi săn cọp được xem là môn thể thao tạo cảm giác mạnh của giới thượng lưu trước đây.

Thật là một điều thiệt hại to lớn, nếu một ngày kia núi rừng Việt Nam vắng bóng cọp.

Lý Hiểu Vinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/huyen-thoai-cop-khanh-hoa-post178033.html