Huyện Tiên Lữ có trên 620ha nuôi thả thủy sản
Bên mô hình nuôi thả thủy sản của gia đình, chị Nguyễn Thị Huyền (xã Thiện Phiến) cho biết: 'Nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm 2017, từ số vốn tích cóp của gia đình và sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, tôi chuyển từ nuôi cá thương phẩm sang nuôi cá Koi với diện tích gần 3 mẫu. Sau một vài lần thất bại, tôi đã có kinh nghiệm nuôi và dần tiếp cận thị trường. Ðến nay, tôi duy trì diện tích ao nuôi và liên kết với người dân trong và ngoài xã nuôi cá Koi với diện tích gần 10 mẫu. Mỗi năm từ nuôi cá Koi, gia đình tôi thu lãi gần 300 triệu đồng'.

Mô hình nuôi cá Koi của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, xã Thiện Phiến
Từ mô hình nuôi thả thủy sản kết hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả, gia đình anh Trần Quang Thắng ở xã Hưng Ðạo đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Thắng cho biết: Gia đình tôi chuyển đổi phát triển mô hình VAC với diện tích hơn 1 mẫu, trong đó diện tích nuôi thả cá hơn 5 sào. Trước đây, tôi thả cá quảng canh, mỗi năm thu được một lứa, có khi gần 2 năm mới thu hoạch một lần. Mặc dù vẫn có cá thương phẩm thu hoạch nhưng năng suất, chất lượng không cao. Từ ngày nắm được kỹ thuật thâm canh, gia đình tôi đã cải tạo lại ao để nuôi thả cá. Nhờ đó, 5 năm nay, từ diện tích nuôi thả cá, kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 200 triệu đồng.
Hiện nay, hoạt động nuôi thả thủy sản ở huyện Tiên Lữ phát triển ở 2 hình thức, đó là nuôi thâm canh và nuôi thả thủy sản kết hợp với chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Thời gian qua, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các hộ nuôi thả thủy sản ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nuôi thủy sản theo hướng VietGAP. Những năm gần đây, huyện đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nhằm hình thành diện tích nuôi thả thủy sản tập trung, theo hướng hàng hóa và liên kết sản xuất. Ðến nay, 70% diện tích nuôi thâm canh thủy sản trong huyện ứng dụng công nghệ cao; 40ha nuôi thả thủy sản được chứng nhận VietGAP. Trong huyện thành lập được 2 HTX, 3 tổ hợp tác liên kết sản xuất trong lĩnh vực thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Kiều, Giám đốc HTX thủy sản Ðoàn Kết, xã Cương Chính cho biết: Năm 2018, tôi vận động một số hộ nuôi cá trong xã thành lập HTX. Ðến nay, HTX thu hút 10 thành viên tham gia với diện tích nuôi thả tập trung trên 3ha Ðể nâng cao hiệu quả nuôi thả cá, cùng với vận động thành viên đầu tư guồng máy tạo oxi trong ao nuôi; nuôi thả cá theo tiêu chuẩn VietGAP, nhu cầu của thị trường, HTX xây dựng kế hoạch nuôi thả, chọn đối tượng thủy sản nuôi phù hợp; hỗ trợ các thành viên về con giống, vốn, nhân lực, đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, 100% diện tích nuôi thả thủy sản của HTX cho thu lãi. Hiện nay, HTX liên kết tiêu thụ cá thương phẩm, cá giống với nhiều thương lái, HTX trong tỉnh với sản lượng khoảng 10 tấn cá/tháng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết trong nuôi thả thủy sản, hằng năm, huyện Tiên Lữ duy trì phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi thả thủy sản, tuyên truyền người dân lựa chọn giống cá phù hợp với điều kiện chăm sóc; hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình, dự án khuyến khích phát triển nuôi thả thủy sản chất lượng cao theo hướng an toàn của tỉnh; phát triển nuôi thủy sản đặc sản như: Cá Koi, ba ba, ếch… Giai đoạn 2021- 2024, huyện phối hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ 10 mô hình nuôi thả thủy sản tham gia Ðề án phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, với diện tích trên 50 héc - ta; thực hiện chuyển đổi được trên 150ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi thả thủy sản...
Huyện Tiên Lữ hiện nay có trên 620ha nuôi thả thủy sản, trong đó có trên 50 héc - ta nuôi thả thủy sản đặc sản, tập trung ở một số xã như: Hải Thắng, Hưng Ðạo, Thiện Phiến… Sản lượng cá trung bình mỗi năm của huyện đạt 5 - 6 nghìn tấn. Các mô hình nuôi thả thủy sản thâm canh, nuôi thả thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi cho lợi nhuận trung bình từ 200 triệu đồng/năm trở lên.
Ðể duy trì và phát huy hiệu quả diện tích nuôi thả thủy sản, thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường ao nuôi, nuôi thả đúng lịch thời vụ, đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhất là giống cá có năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng; tiếp tục phối hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ triển khai thực hiện Ðề án phát triển thủy sản tỉnh của tỉnh…
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/huyen-tien-lu-co-tren-620ha-nuoi-tha-thuy-san-3180607.html