Huyện Trần Đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể
Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa độc đáo. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhằm gắn liền với phát triển du lịch và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Là địa phương có đặc trưng cộng đồng dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, huyện Trần Đề có nét văn hóa đa dạng. Trên địa bàn huyện Trần Đề có 3 di tích lịch sử được công nhận di tích cấp tỉnh gồm: chùa Tầm Vu, đình Thạnh Thới An ở xã Thạnh Thới An, Bia chứng tích chiến tranh ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú. Cùng với đó là các đình, miếu, am của người Kinh, người Hoa và các lễ, hội dân gian diễn ra vào các tháng trong năm. Đặc biệt là Nghệ thuật Rô băm của người Khmer và Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải trên địa bàn huyện đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Nghinh Ông là tín ngưỡng dân gian đã được người dân vùng biển Trần Đề phổ biến, trao truyền qua nhiều thế hệ với mong muốn sẽ có được những chuyến biển an toàn, khoang tàu đầy ắp cá tôm. Tục thờ cúng Cá Ông và Lễ hội Nghinh Ông có ở hầu hết các tỉnh, thành ven biển tại khu vực Nam Bộ. Tuy vậy, Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Trần Đề được đánh giá là có quy mô lớn và thu hút sự tham gia của nhiều ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận.
Nếu Lễ hội Nghinh Ông gắn bó với đời sống ngư dân, thì điệu múa Rô băm lại là loại hình kịch múa cổ điển của người Khmer xưa. Đây là loại hình nghệ thuật có sự kết hợp rất đa dạng từ nhiều yếu tố nghệ thuật như ca, kịch, múa, nghệ thuật thể hiện ngôn ngữ hành động. Theo thời gian, nội dung các tuồng tích trong sân khấu Rô băm dần được người Khmer chuyển thể gần gũi hơn với đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân lao động, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, vừa mang tính triết lý, giáo dục sâu sắc, phản ánh, truyền đạt những ý tưởng tín ngưỡng, tôn giáo cho đông đảo công chúng, trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả đến cộng đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Trần Đề chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lâm Thị Hương, ấp Bưng Chông biểu diễn Rô băm theo kiểu “cha truyền con nối”. Theo bà Hương, Đoàn Rô băm Bưng Chông được thành lập từ năm 1933 và trải qua 6 thế hệ “nghệ sĩ”. Vượt qua nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ mai một, các diễn viên của đoàn vẫn luôn nỗ lực gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.
Bà Lâm Thị Hương - Trưởng Đoàn Rô băm Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề cho biết: “Nghệ thuật sân khấu Rô băm được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Cha, mẹ dặn tôi cố gắng giữ gìn, khi múa trích đoạn hay diễn ở Lễ Kathina chỉ cần 10 người có thể diễn được. Tôi rất yêu loại hình nghệ thuật này, đặc biệt có các em, các cháu ủng hộ nên được duy trì đến ngày hôm nay. Tôi mong được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để tôi mở lớp dạy nghề cho các em thế hệ sau. Để con cháu của tôi tiếp tục gìn giữ và phát huy”.
Qua thời gian đã cho thấy, Lễ hội Nghinh Ông và Nghệ thuật Rô băm đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân tại Trần Đề, là nguồn lực quan trọng góp phần hình thành nên các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo tại địa phương. Tuy nhiên, các di sản này hiện đang bị thách thức bởi nhiều yếu tố. Bởi phạm vi hoạt động và số lượng khán giả đến với nghệ thuật Rô băm ngày càng bị thu hẹp; công việc biểu diễn mang tính “thời vụ” khiến nhiều người không còn mặn mà gắn bó với nghề… Do vậy, việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật Rô băm và Lễ hội Nghinh Ông là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay.
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tạo điều kiện cho công chúng, đặc biệt là đồng bào Khmer tại các địa phương có nhiều điều kiện tiếp cận, trải nghiệm hơn về di sản này thông qua các lớp bồi dưỡng, truyền dạy. Riêng tại huyện Trần Đề, trong năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp cùng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật múa Rô băm. Lớp học thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau bao gồm cả học sinh, người dân lao động. Tại mỗi buổi học, từng học viên đã được các diễn viên chuyên nghiệp đến từ Đoàn Rô băm Bưng Chông hướng dẫn chi tiết từng động tác múa, điệu bộ, cách tạo hình nhân vật... Tất cả thể hiện sự tận tâm, niềm say mê và khát khao được trao truyền, tiếp nối để có thể khai thác tốt giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình, quê hương mình.
Cùng với sự nỗ lực từ địa phương, ngày 7/2/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Rô băm của người Khmer và Lễ hội Nghinh Ông trên địa bàn huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2028. Bảo tồn, phát huy hiệu quả nhất giá trị các di sản, tạo cho di sản sức sống vững bền, nhất là trong tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ hiện nay là hết sức cần thiết.
Đồng chí Trần Cẩm Tú - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trần Đề cho biết: "Đề án hướng đến mục tiêu tổng quát là bảo vệ và lưu truyền cho thế hệ mai sau những giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc và sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đưa các di sản văn hóa phi vật thể trở thành nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trần Đề nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung theo hướng bền vững".
Thành quả đạt được, cùng với các giải pháp mang tính thiết thực đã và đang được triển khai là cơ sở vững chắc để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể theo hướng bền vững; khơi dậy lòng tự hào và động lực để người dân tiếp nối truyền thống, giữ gìn văn hóa nguồn cội của dân tộc mình cho các thế hệ mai sau.