Huyện Trần Đề tăng cường kiểm soát chống khai thác bất hợp pháp

Trần Đề là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng có chiều dài 12km bờ biển. Tổng số phương tiện khai thác hải sản của huyện hiện nay là 620 phương tiện, trong đó có 332 phương tiện đánh bắt xa bờ.

Trong những năm qua, khai thác hải sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt trên 56.000 tấn, hoạt động khai thác hải sản nhiều năm qua đã giải quyết tốt bài toán sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân sinh sống ở vùng ven biển của huyện. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, sản phẩm hải sản khai thác được của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đã bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “Thẻ vàng” để cảnh báo. Việc này đã gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy hải sản của nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của bà con ngư dân tại các địa phương ven biển, trong đó có huyện Trần Đề.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tuyên truyền những quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp cho ngư dân. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tuyên truyền những quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp cho ngư dân. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Hiện nay, toàn huyện Trần Đề có 332/332 diện tàu cá bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình đều đã được lắp đặt trước khi đưa vào hoạt động trên biển và thực hiện nghiêm túc các quy định về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy hải sản. Các lực lượng chức năng của huyện Trần Đề cũng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát thường xuyên ven biển, cửa sông để kịp thời nhắc nhở các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU). Qua theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá đã phát hiện có 4 phương tiện của ngư dân trong tỉnh vượt ranh giới giữa vùng biển Việt Nam và nước ngoài. Lực lượng bộ đội biên phòng đã phát hiện và kêu gọi số tàu này trở lại vùng biển Việt Nam. Các lực lượng đã phối hợp cho chủ tàu cá trên viết cam kết không tái phạm. Ngoài ra, có 1 phương tiện vi phạm vùng biển Malaysia vào tháng 4/2021, hiện nay Tổ xử lý chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU đang phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành điều tra, xác minh, khi có kết quả tham mưu cho địa phương đưa ra biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, có 65 tàu từ 15m đến dưới 24m thường xuyên mất kết nối nhưng phần lớn là do bị lỗi kỹ thuật, hư hỏng, chủ tàu cá chưa gia hạn phí hoạt động của thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Từ năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng và Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng phối hợp tuần tra, kiểm soát lưu động đã phát hiện 74 trường hợp tàu cá trong và ngoài tỉnh vi phạm các lỗi thiếu trang thiết bị an toàn cho tàu cá, không có hồ sơ tàu cá, tự ý tháo gỡ thiết bị VMS, lắp VMS không đúng quy định... các lực lượng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 14 trường hợp với tổng số tiền phạt 165 triệu đồng. Đồn Biên phòng Trung Bình phối hợp với lực lượng ngành thủy sản, công an làm việc với 4 chủ tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và cho viết cam kết không vi phạm.

Thời gian tới, huyện Trần Đề sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản liên quan đến việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để chủ tàu cá, ngư dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt khai thác trên vùng biển.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/bien-dao-que-huong/huyen-tran-de-tang-cuong-kiem-soat-chong-khai-thac-bat-hop-phap-61911.html