Huyện Tràng Định - Tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát huy các thế mạnh
Tràng Định là huyện vùng vúi cao biên giới phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn. Những năm qua, nhờ được thiên nhiên ưu đãi, Tràng Định đã trở thành địa phương có thế mạnh nổi trội về sản xuất nông – lâm nghiệp cũng như phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Các thế mạnh phát triển kinh tế
Với quỹ đất lâm nghiệp dồi dào, chiếm khoảng 95% tổng diện tích tự nhiên của huyện, Tràng Định có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó thế mạnh là cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc. Những năm gần đây, phong trào trồng rừng, cây ăn quả, cây đặc sản và dược liệu địa phương được chú trọng phát triển.
Đến nay, toàn huyện có khoảng 3.600 ha rừng sản xuất, chủ yếu là bạch đàn, keo, lát; khoảng 3.500 ha hồi, 4.000 ha quế, hơn 500 ha quýt và cây ăn quả các loại. Ngoài ra còn có một số diện tích đất màu mỡ với tiềm năng phát triển các giống lúa chất lượng cao và các loại rau màu đặc sản.
Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, Tràng Định đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho các loại cây Thạch đen, quýt và quế, đồng thời đang xúc tiến xây dựng cho Gạo Bao thai hồng.
Bên cạnh đó, cây Thạch đen sau hàng chục năm được chú trọng phát triển, đến nay đã trở thành cây trồng chủ lực với diện tích bình quân 1.200-1.600 ha/năm, cho sản lượng 8.000-10.000 tấn/năm, doanh thu trung bình mỗi năm lên tới 150 tỷ đồng.
Với đường biên giới dài hơn 51 km tiếp giáp với Trung Quốc, cùng 2 cửa khẩu (Nà Nưa, Bình Nghi) và chợ biên giới, các tuyến giao thông ngày càng được đầu tư nâng cấp, Tràng Định còn có tiềm năng lớn về phát triển thương mại, dịch vụ biên giới, góp phần đáng kể vào việc tăng doanh thu ngân sách của địa phương.
Năm 2019, tổng thu NSNN trên địa bàn (bao gồm thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, dịch vụ, tiện ích tại cửa khẩu) đạt trên 87 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt gần 900 triệu USD.
Trong thời gian tới, khi 2 cửa khẩu và các tuyên giao thông đến 2 cửa khẩu được nâng cấp, kết cấu hạ tầng biên giới được đầu tư, tin rằng hoạt động thương mại, dịch vụ biên giới trên địa bàn huyện sẽ càng thêm sôi động.
Nhờ vị trí là điểm kết nối với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, đặc biệt với nước bạn Trung Quốc, Tràng Định sở hữu thế mạnh về du lịch nổi trội hơn nhiều so với nhiều địa phương khác. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các dịch vụ thương mại liên quan khác, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế huyện nhà trong những năm qua có được, bên cạnh những lợi thế trên, không thể kể không đến vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nỗ lực của nhân dân toàn huyện.
Ông Lương Quốc Toản- Phó chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Lãnh đạo huyện Tràng Định chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Theo đó, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM; tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với xây dựng nhãn mác sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị để nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng, lao động của từng vùng; thực hiện tốt các đề án phát triển cây đặc sản của địa phương. Chỉ đạo toàn diện, quyết liệt Chương trình XDNTM, tiếp tục thực hiện xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu đối với xã đạt chuẩn NTM và xây dựng xã NTM nâng cao cũng như NTM mới.
Thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX
Năm 2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tràng Định được giao giải ngân 160 tỷ đồng để quyết toán các công trình xây dựng cơ bản năm trước và triển khai 35 công trình xây dựng nông thôn mới và dự án xóa đói giảm nghèo trên địa bàn trong năm nay.
Các công trình thi công trên địa hình hiểm trở, vận chuyển vật liệu khó khăn, xuất đầu tư lớn. Thời gian qua, được sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương quá trình triển khai các dự án được đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình.
Đi liền với đó, huyện Tràng Định phấn đấu thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư; ưu tiên phát triển các điểm dịch vụ, thương mại tại các trung tâm cụm và khu dân cư; tập trung phát triển và đưa vào khai thác khu du lịch sinh thái Bản Bó; tăng cường việc giao lưu kinh tế hàng hóa qua biên giới nhằm mỏ rộng thị trường.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, lành mạnh thị trường kinh doanh và đầu tư, Tràng Định không ngừng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển cả về quy mô, số lượng, lao động, công nghệ và trình độ năng lực quản lý sản xuất kinh doanh; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính; chú trọng củng cố phát triển các hợp tác xã và tổ hợp dịch vụ trong các ngành nghề, kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp.
Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, huyện Tràng Định đề ra những giải pháp cụ thể về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.
Đó là: Tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, đô thị, quản lý tài nguyên; chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành thu, chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền huyện, xã; tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích Quốc gia.