Huyện ủy Yên Khánh ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh (1945-2020)
Sáng 28/11, Huyện ủy Yên Khánh tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách 'Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh (1945-2020)'. Tới dự có đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh (1945-2020)” là tác phẩm được dày công nghiên cứu, biên soạn, tiếp thu, chỉnh sửa cẩn trọng, công phu, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, quy định; được in ấn, xuất bản với số lượng 650 cuốn.
Cuốn sách là sự tiếp nối, bổ sung cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện 1945-2000; gồm 700 trang với 7 chương, 18 mục, tái hiện chặng đường từ năm 1945 đến năm 2020, gồm quá trình thành lập Đảng bộ, lãnh đạo Nhân dân hoạt động cách mạng, giành chính quyền; cùng Nhân dân cả nước bảo vệ thành quả cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thắng lợi; lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới…
Cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh (1945-2020)” được xuất bản và phát hành là tài liệu quý phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển lý luận lịch sử Đảng. Đồng thời, là tài liệu quan trọng giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ trong việc giữ gìn truyền thống cách mạng, tiến hành đổi mới, phát triển xây dựng huyện Yên Khánh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Mai Hoa nhấn mạnh: Yên Khánh là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% các xã, thị trấn hoàn thành nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ và hiện cũng là huyện đứng đầu của tỉnh có nhiều xã tiến hành nghiên cứu, biên soạn bổ sung, tái bản sách lịch sử đảng bộ địa phương. Những kết quả đó, cùng với việc Huyện ủy Yên Khánh chỉ đạo hoàn thành xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh (1945-2020)” và đang triển khai nghiên cứu cuốn Địa chí Yên Khánh đã góp phần làm dày và phong phú thêm nguồn tư liệu về lịch sử Đảng bộ huyện Yên Khánh nói riêng cũng như lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nói chung.
Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Khánh kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương phát hành cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên, các thư viện, trường học, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị thông qua nhiều hình thức (bản giấy, bản điện tử); đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cốt lõi của cuốn sách bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp, nhằm lan tỏa, phát huy giá trị to lớn, sâu sắc của cuốn sách, sớm đưa cuốn sách đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm rà soát, chắt lọc, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tiếp tục cập nhật dữ liệu, tái bản bộ sách lần sau phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và từng giai đoạn lịch sử.
*Cùng ngày, Huyện ủy Yên Khánh tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe lãnh đạo Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật truyền đạt các nội dung cốt lõi của cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, cuốn sách gồm hơn 900 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư,... của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Nội dung của tác phẩm là sự chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa.
Thông qua hội nghị nhằm giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện nhận thức sâu sắc về quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa. Từ đó, nghiên cứu, cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa tại địa phương, đơn vị; để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho phát triển của địa phương và đất nước.