Huyện vùng biên nỗ lực giảm nghèo

Bù Đốp là huyện biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Song chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể chú trọng quan tâm triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện ngày một giảm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

LINH HOẠT CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ

Gia đình ông Mông Văn Quang ở ấp 4, xã Hưng Phước là một trong những hộ khó khăn nhiều năm liền. Gia đình 4 người chỉ trông chờ vào thu nhập từ 4 sào điều, cuộc sống gắn liền với làm thuê nay đây mai đó. Cuối năm 2020, hộ ông đã thoát nghèo nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương bằng nhiều nguồn lực như: xây nhà tình nghĩa trị giá 80 triệu đồng, hỗ trợ kéo điện, điều giống, nông cụ sản xuất, đặc biệt là cặp bò giống trị giá 40 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực, gia đình ông Quang có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ông Quang chia sẻ: “Tôi về đây lập nghiệp đã hơn 15 năm nhưng kinh tế gia đình không khá lên được. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay, kinh tế đã ổn định, không còn khó khăn như trước”.

Nhờ các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, đời sống kinh tế gia đình anh Kim Dương ở ấp 6, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp đã khấm khá hơn

Nhờ các nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, đời sống kinh tế gia đình anh Kim Dương ở ấp 6, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp đã khấm khá hơn

Hoàn cảnh gia đình chị Hoàng Thị Trang ở ấp Tân An, xã Tân Tiến cũng khó khăn không kém. Hộ chị có 5 người nhưng chỉ có hơn 2 sào đất. Cuộc sống cả gia đình phụ thuộc vào thu nhập bấp bênh từ công việc làm thuê. Năm 2019, chị Trang được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 60 triệu đồng đầu tư nuôi dê. Đến cuối năm 2021, chị tiếp tục được hỗ trợ thêm 2 con bò giống để phát triển sản xuất. Mảnh đất nhỏ gia đình tận dụng trồng cỏ để chủ động thức ăn cho đàn dê và bò. Ngoài ra, gia đình chị còn được hỗ trợ sửa nhà ở, xây nhà vệ sinh, máy phát cỏ, tivi. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình chị Trang không còn khó khăn.

Chị Trang chia sẻ: “Sau khi được hỗ trợ bò giống, vay vốn phát triển sản xuất, đến nay kinh tế gia đình đã ổn định. Giờ tôi cố gắng chăm sóc đàn dê, bò để tăng đàn, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững”.

CHÚ TRỌNG THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

Thời gian qua, song song với huy động nguồn lực hỗ trợ người dân thoát nghèo, huyện Bù Đốp luôn chú trọng công tác chống tái nghèo. Cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể huyện tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ các gia đình vừa thoát nghèo có thêm tiềm lực phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Đốp Nguyễn Thị Năm cho biết: “Chúng tôi luôn theo dõi, bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế của từng hộ mới thoát nghèo. Từ đó đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp để những hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tránh tình trạng tái nghèo”.

Sau nhiều lần hỗ trợ vay vốn chính sách và bò giống phát tiển sản xuất, giờ đây gia đình chị Trang đã có thu nhập ổn định từ đàn dê, bò và thoát nghèo bền vững

Sau nhiều lần hỗ trợ vay vốn chính sách và bò giống phát tiển sản xuất, giờ đây gia đình chị Trang đã có thu nhập ổn định từ đàn dê, bò và thoát nghèo bền vững

Một trong những điển hình thoát nghèo bền vững là gia đình anh Kim Dương ở ấp 6, xã Hưng Phước. Năm 2019, hộ anh được hỗ trợ xây nhà tình thương với kinh phí 120 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn được hỗ trợ vay vốn chính sách 50 triệu đồng để chăm sóc 5 sào điều và 3 sào tiêu; đồng thời hỗ trợ máy cưa để anh đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Sau hơn 2 năm, kinh tế gia đình anh đã ổn định, vươn lên thoát nghèo. Xét thấy hoàn cảnh gia đình anh Dương vẫn còn khó khăn, năm 2021, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ cặp bò giống trị giá 40 triệu đồng từ chương trình giảm 1.000 hộ đồng bào DTTS nghèo của tỉnh. Sau nhiều năm nỗ lực, chịu khó làm ăn, đến nay cuộc sống gia đình anh đã khấm khá hơn.

Anh Dương phấn khởi chia sẻ: “Năm 2021, gia đình tôi thoát nghèo nhưng vẫn còn khó khăn. Khi được hỗ trợ thêm bò giống, tôi cố gắng chăm sóc để tăng đàn. Sau một thời gian, cùng với thu nhập từ vườn cây và làm thêm nhiều việc khác, kinh tế gia đình bắt đầu “vững” dần. Đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn, làm ăn có dư và mua sắm được nhiều thiết bị sinh hoạt”.

Để thực hiện chương trình giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, huyện Bù Đốp đã huy động tất cả nguồn lực hỗ trợ người dân thoát nghèo. Trong đó, tập trung hỗ trợ các hộ nghèo có thêm nhiều nguồn lực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực từ các hộ dân được thụ hưởng, công tác giảm nghèo của huyện thời gian qua đã đạt kết quả rất tốt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp NGUYỄN MINH PHONG

Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể huyện Bù Đốp đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, các nguồn lực được huy động tập trung hỗ trợ các chỉ tiêu thiếu hụt của các hộ nghèo và cận nghèo. Từ đó, giúp họ tăng cường tiềm lực phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo huyện hằng năm đều giảm mạnh. Năm 2021, huyện Bù Đốp giảm 227 hộ nghèo; năm 2022 giảm 316 hộ nghèo, vượt 6% kế hoạch, trong đó có 60 hộ DTTS. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu nổi bật đạt và vượt kế hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong năm qua.

Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Bù Đốp hiện chiếm 2,53% tổng số hộ dân toàn huyện. Trong năm 2023, huyện tiếp tục phấn đấu giảm thêm 272 hộ nghèo. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề, động lực để huyện Bù Đốp tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/141767/huyen-vung-bien-no-luc-giam-ngheo