Huyện Yên Thủy: Bộ máy chính quyền các xã sau sáp nhập vận hành hiệu lực, hiệu quả

Cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Yên Thủy có 2 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sáp nhập, gồm thị trấn Hàng Trạm và xã Bảo Hiệu. Theo đó, xã Yên Lạc sáp nhập vào thị trấn Hàng Trạm và xã Lạc Hưng sáp nhập vào xã Bảo Hiệu.

Kinh tế - xã hội vùng nông thôn thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) khởi sắc sau sáp nhập.

Kinh tế - xã hội vùng nông thôn thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) khởi sắc sau sáp nhập.

Vốn có nền tảng từ trước, nhiều năm liền là đơn vị lá cờ đầu nên hoạt động bộ máy chính quyền của thị trấn Hàng Trạm bắt tay vào guồng ngay. Một trong những vấn đề khó khăn được khắc phục kịp thời sau sáp nhập là định hướng phát triển kinh tế đối với xã Yên Lạc cũ có đặc thù sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Lã Xuân Trường, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Trước khi sáp nhập, thị trấn có ngành nghề chủ yếu là thương mại, dịch vụ. Do đó, khi nhập địa giới hành chính, đơn vị phải tập trung nghiên cứu, khảo sát, đánh giá lại loại hình phát triển kinh tế để từ đó có phương hướng điều chỉnh về cơ cấu.

Với bộ máy hành chính tinh gọn trong điều kiện thực tế quản lý Nhà nước về địa giới hành chính rộng hơn, áp lực công việc nhiều hơn nhưng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) tại đơn vị luôn xác định rõ được trách nhiệm, yêu cầu đặt ra, phấn đấu đạt chất lượng công việc ở mức cao nhất. Năm 2021, thị trấn tiếp tục dẫn đầu khối chính quyền huyện, đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng thi đua về cải cách hành chính. Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH có 17/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng dịch vụ, thương mại chiếm 49%, công nghiệp - xây dựng 38,2%, nông nghiệp 12,8%. Bình quân thu nhập đạt 48,2 triệu đồng/người/năm; giảm được 15 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,94%.

Là vùng đặc biệt khó khăn, xã Bảo Hiệu có nhiều cố gắng để vận hành bộ máy chính quyền đi vào hoạt động ổn định. Đồng chí Bùi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Bước đầu sáp nhập, xã bố trí một phần đội ngũ CBCC trực tại trụ sở xã Lạc Hưng cũ để tiếp cận, trao đổi Nhân dân, tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính. Dần sau đó mới chuyển về trụ sở chính để người dân chủ động thích nghi. Cùng với đó, đơn vị tập trung xây dựng chính quyền, cải cách thủ tục hành chính. CBCC xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có lề lối, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. Đặc biệt, chính quyền xã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở, nâng cao chất lượng công tác chứng thực, hộ tịch. Phong trào thi đua lao động sản xuất được đẩy mạnh. Năm 2021, xã có 19/20 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bình quân thu nhập đạt 33,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,94%. Việc triển khai, thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Từ đơn vị đứng ở tốp cuối, xã đã vươn lên danh sách tốp khá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đồng chí Bùi Thị Nhung, Phó trưởng Phòng Nội vụ, huyện Yên Thủy đã làm rất tốt công tác sắp xếp cán bộ từ trước cuộc bầu cử HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đối với thị trấn Hàng Trạm và xã Bảo Hiệu sau sáp nhập, vận hành bộ máy chính quyền được đánh giá tốt hẳn lên. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, phân nhiệm CBCC đúng vị trí việc làm, đảm bảo tinh gọn về đội ngũ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Đặc biệt, ngay từ lúc đầu ở 2 đơn vị này đã ổn định về cán bộ chủ chốt lãnh đạo, điều hành có kinh nghiệm, năng lực hoạt động tốt. Do đó, từ khâu tuyển chọn nhân sự cho bộ máy mới đều có sự cân nhắc để khi lắp vào guồng điều hành đạt hiệu quả. Bản thân những xã sáp nhập vào là xã yếu nhưng khi đưa vào tổng thể giúp "gồng ghênh”, kéo lên được. Minh chứng cụ thể là chỉ số phát triển KT-XH, đánh giá cải cách hành chính, xếp loại chính quyền cơ sở ở 2 đơn vị được phát huy toàn diện và đều có sự bứt phá.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/168034/huyen-yen-thuy-bo-may-chinh-quyen-cac-xa-sau-sap-nhap-van-hanh-hieu-luc,-hieu-qua.htm