Hy hữu: Vòng tránh thai đi lạc 32 năm

Bà Ân (ngụ Đắk Lắk) thường xuyên đau bụng vùng thượng vị, ợ nóng, sốt, siêu âm ổ bụng không phát hiện bất thường, nội soi dạ dày kết quả niêm mạc viêm sung huyết. Nội soi đại tràng phát hiện chiếc vòng tránh thai chữ T đã lọt khỏi tử cung, đâm vào ổ bụng, xuyên qua đại tràng.

Bà Ân, 57 tuổi, đặt vòng tránh thai sau sinh con đầu lòng nhưng sau đó vẫn lần lượt sinh thêm hai con, 32 năm sau được bác sĩ phát hiện vòng đã đâm xuyên vào đại tràng.

Theo bà Ân (ngụ Đắk Lắk), gần đây bà thường xuyên đau bụng vùng thượng vị, ợ nóng, sốt, siêu âm ổ bụng không phát hiện bất thường, nội soi dạ dày kết quả niêm mạc viêm sung huyết và uống thuốc nhiều nơi nhưng không khỏi.

Bà Ân đã đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM kiểm tra. Kết quả nội soi đại tràng phát hiện chiếc vòng tránh thai chữ T (phần đồng bọc phía ngoài đã mất hẳn) đã lọt ra khỏi tử cung, đâm vào ổ bụng, xuyên qua đại tràng.

Hình ảnh nội soi cho thấy vòng tránh thai đâm thủng đại tràng.

Hình ảnh nội soi cho thấy vòng tránh thai đâm thủng đại tràng.

Bà Ân cho biết, đặt vòng tránh thai năm 1991, sau khi con đầu lòng được một tuổi. Một năm sau, bà bất ngờ có dấu hiệu mang thai, bác sĩ khám cho rằng khả năng mang thai thấp do đã đặt vòng. Đến lúc thai lớn, nghe được tim thai, bác sĩ mới chắc chắn bà đang mang thai.

Trong ca đỡ sinh con thứ hai cho bà Ân, bác sĩ kết hợp tìm chiếc vòng tránh thai trong nhau thai nhưng không thấy, cho rằng vòng đã trôi ra ngoài. 7 năm sau, năm 2000, bà Ân sinh con thứ ba, và quên luôn chiếc vòng tránh thai mình đã từng đặt.

Lần này, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, bệnh viện Tâm Anh TP.HCM, trong quá trình thực hiện nội soi đại tràng cho bà Ân phát hiện một phần của vòng chữ T xuyên vào lòng đại tràng sigma. Bác sĩ Hữu Tùng đã lấy vòng cho bệnh nhân. Kỹ thuật này đơn giản, không xâm lấn và an toàn, người bệnh được xuất viện ngay trong ngày.

Nói về nguy cơ, theo bác sĩ Tùng, vòng tránh thai di trú nếu không được phát hiện và gắp ra ngoài có thể gây những biến chứng như viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết…

Trường hợp bà Ân quá trình diễn tiến chậm, đường đi di trú của vòng tránh thai là đường hầm viêm mạn tính, do vậy mà bệnh nhân không có triệu chứng đau bụng hay tình trạng nhiễm trùng cấp tính. Triệu chứng đau bụng, ợ nóng của người bệnh có thể do viêm dạ dày.

Bác sĩ Hữu Tùng đang cầm trên tay vòng tránh thai của bà Ân được lấy ra ngoài.

Bác sĩ Hữu Tùng đang cầm trên tay vòng tránh thai của bà Ân được lấy ra ngoài.

Bác sĩ Hữu Tùng cho biết vòng tránh thai đi xuyên qua tử cung, đi vào ổ bụng và xuyên qua đại tràng như bà Ân là khá hiếm gặp. Thông thường, vòng tránh thai được đặt vào tử cung có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm (tùy loại) và được lấy ra sau thời gian đó. Trường hợp này chiếc vòng đi lạc khỏi vị trí ban đầu suốt 32 năm nhưng không được phát hiện, tìm thấy.

Tùy thuộc vào vị trí chiếc vòng, cũng như tính chất xuyên thủng các tạng, bác sĩ có biện pháp can thiệp khác nhau như nội soi đại tràng bằng ống mềm, nội soi tử cung, nội soi bàng quang hoặc phẫu thuật can thiệp.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ đặt vòng ở cơ sở y tế uy tín, do bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện. Nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tình trạng vòng và sức khỏe phụ khoa.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/hy-huu-vong-tranh-thai-di-lac-32-nam-d8646.html