Hy Lạp ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại trại tị nạn lớn nhất
Theo nguồn tin Bộ Nhập cư, bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại trại tị nạn Moria, trên đảo Lesbos, là một người đàn ông Somalia 40 tuổi, gần đây đã đến thủ đô Athens.
Ngày 2/9, Hy Lạp thông báo đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại trại tị nạn lớn nhất nước này là Moria, trên đảo Lesbos, nơi gần 13.000 người nhập cư đang sống trong các điều kiện không đảm bảo vệ sinh.
Về lý thuyết, trại này chỉ chứa được chưa đến 2.800 người.
Theo nguồn tin Bộ Nhập cư, bệnh nhân là một người đàn ông Somalia 40 tuổi, gần đây đã đến thủ đô Athens. Tại Moria, nhiều người nhập cư phải ngủ trong lều bạt dưới gốc cây bên ngoài trại. Chính vì vậy, việc thực thi các biện pháp chống dịch rất khó khăn.
Một ca nhiễm khác tại một trại tị nạn trên đảo Chios là một người đàn ông 35 tuổi đến từ Yemen, được thông báo hồi tháng trước. Các trại tị nạn trên đảo của Hy Lạp đều đang phải phong tỏa đến ngày 15/9.
Hy Lạp đã ghi nhận 271 ca tử vong do COVID-19, là nước ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh này so với các nước khác ở châu Âu.
Vùng Scotland (Vương quốc Anh) cùng ngày áp đặt các biện pháp hạn chế mới tại thành phố Glasgow sau khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng.
Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon khuyến cáo người dân sinh sống tại Glasgow và hai khu vực lân cận không nên đến thăm nhà người khác, sau khi 66 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vùng này trong ngày 1/9. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực trong hai tuần.
Trên mạng xã hội Twitter, bà Sturgeon thừa nhận việc áp dụng biện pháp trên "gây khó khăn" cho người dân, song "cần thiết để tránh phải áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn." Bà Sturgeon nêu rõ bản thân bà sẽ thực hiện nghiêm chỉnh quy định này.
Đến nay Anh đã ghi nhận hơn hơn 41.500 ca tử vong vì COVID-19 - cao nhất châu Âu. Từ cuối tháng Ba, nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế trên cả nước nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp này đã được dỡ bỏ, thay vào đó là các biện pháp do từng địa phương áp dụng nhằm ứng phó với các điểm nóng mới.
Tại Maldives, chính quyền đảo quốc này đã siết chặt các yêu cầu về nhập cảnh đối với khách du lịch sau khi số ca nhiễm tăng cao tại hơn một chục khu nghỉ dưỡng.
Từ giữa tháng Bảy, Maldives đã mở cửa trở lại các đảo nghỉ dưỡng sang trọng sau nhiều tháng phong tỏa, và không yêu cầu du khách xét nghiệm hay trình chứng nhận không nhiễm virus khi nhập cảnh. Tuy nhiên, kể từ đó, 29 nhân viên người bản địa và 16 khách nước ngoài tại các khu nghỉ dưỡng đã nhiễm bệnh và đang được cách ly.
Theo quy định mới, tất cả du khách đều phải trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh.
Du lịch là động lực kinh tế chính của Maldives, một "thiên đường hải đảo nhiệt đới" đối với du khách. Chính quyền Maldives hy vọng khách du lịch sẽ đổ xô đến quần đảo gồm 1.190 hòn đảo san hô này sau khi các chuyến bay được nối lại. Nhưng trong một tháng tính từ ngày 15/7 chỉ có 5.200 khách đến nước này, so với mức trung bình mỗi tháng có 141.000 khách trước khi dịch bệnh bùng phát.
Trong một tuần qua Maldives ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 8.003 ca. Đến nay, 29 ca tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận ở đảo quốc có 340.000 dân này./.