Hy sinh không chỉ là cái chết

Trong mạch nguồn ký ức thiêng liêng ấy, chúng tôi được gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện của hai cựu chiến binh : ông Nguyễn Hồng Phi - cựu lính đặc công và ông Đặng Đức Thắng, cựu lính bộ binh. Hai cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến thời khắc giải phóng, non sông Việt Nam nối liền một dải và sau đó tiếp tục xông pha làm nhiệm vụ trên các nước bạn Lào, Campuchia… Qua hồi ức thiêng liêng của họ, sự hy sinh không chỉ là cái chết, mà là cả quá trình cống hiến không ngừng nghỉ, là gác lại ước mơ riêng, là chịu đựng gian khổ tột cùng, là chứng kiến mất mát của đồng đội, và thậm chí là những di chứng dai dẳng đeo bám đến tận hòa bình.

Khi Tổ quốc cần, những người thanh niên như ông Đặng Đức Thắng, Nguyễn Hồng Phi không ngần ngại lên đường. Ông Thắng nhớ lại: "Sau khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1974, tôi nhập ngũ luôn. Đó là thời điểm mà anh em nào cũng háo hức đi B, vào Nam chiến đấu. Có những đồng đội của tôi chưa đến tuổi, còn viết đơn bằng máu tình nguyện vào Nam."

Với cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phi, ở tuổi 18 tràn đầy sức sống, tiếng gọi "Thanh niên ba sẵn sàng" từ năm 1968 đã thôi thúc ông: "Thật sự là nghe theo tiếng gọi của Đảng, thanh niên ba sẵn sàng, tôi xung phong đi nhập ngũ vào tháng 2 năm 1968 khi vừa 18 tuổi. Thanh niên lên đường rất hăng hái, dân làng nô nức tiễn đưa. Khát vọng dâng hiến lớn lao đã lấn át mọi nỗi sợ cá nhân, tức là mình không ngại gian khổ hay hy sinh mà mình rất vô tư, không mảy may nghĩ gì đến cái chết."

"Nói thật sự đi bộ đội thì ai cũng nghĩ là hy sinh, đấy đó là sự thật nghiệt ngã của chiến tranh. Nhưng cứ người này ngã xuống thì người khác lại xông lên, không ai chùn bước cả dù mưa bom bão đạn." Sự hy sinh không chỉ đến trong trận đánh, mà rình rập ở mọi nơi.

Cựu chiến binh Đặng Đức Thắng ngậm ngùi kể lại giây phút sinh tử mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày giỗ chung của nhiều đồng đội.

Trận đánh vào quận lỵ Long Thành chiều cùng ngày. Địch chống trả rất quyết liệt. Tôi bàng hoàng trước cảnh tượng tàn bạo, thương binh của mình nằm ở giữa đường phố quận Long Thành, xe tăng thì vọt đi, bộ binh chạy theo xe tăng để tiến công, những thương binh bị thương, nằm trên đường bị địch tẩm xăng thiêu sống. Kinh khủng! Trung đoàn 101 của tôi là quyết chiến điểm, nơi nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phi, người lính đặc công, cũng đau đáu mãi về sự hy sinh của đồng đội, ngay trong trận đầu đời ở Chơn Thành năm 1969, vào đúng ngày Bác Hồ mất.

"Trong đợt đánh đó, anh Khôi, bạn bè đồng hương của tôi đã hy sinh. Nỗi đau mất bạn càng sâu sắc bởi anh Khôi có hoàn cảnh gia đình rất đáng thương: mẹ mất sớm, bố đi bước nữa với bà hai. Nhưng điều day dứt nhất, là đơn vị không thể mang thi hài của anh về được. Đặc trưng của những người lính đặc công như chúng tôi là hy sinh thường nằm lại, mất xác. Với cách đánh bí mật, luồn sâu, dùng chất nổ để đánh tiêu hao địch, việc làm chủ trận địa để thu hồi thi thể là điều gần như không thể. Chỉ khi nào làm chủ được chiến trường, với bộ binh và các lực lượng càn quét thì mới có thể mang liệt sĩ ra, còn đặc công chúng tôi, khi hy sinh thường là mất mát hoàn toàn, thân xác hòa lẫn vào đất mẹ, không thể tìm về với quê hương.”

Sự hy sinh không chỉ giới hạn trong chiến đấu. Cuộc sống ở chiến trường đầy rẫy hiểm nguy khác: bệnh tật hoành hành, cả tiểu đoàn bị kiết lỵ, ghẻ lở, rồi sốt rét hoành hành làm các chiến sĩ "rụng hết tóc". Điều kiện y tế thiếu thốn đến mức phải "truyền dịch bằng nước dừa." Thiếu ăn triền miên khiến cân nặng người lính giảm sút, đôi khi phải ăn "rau khoai ngứa" nấu cháo để chống đói. Những gian khổ tưởng chừng nhỏ nhặt ấy tích tụ lại cũng là sự bào mòn thể chất và tinh thần, là một dạng hy sinh thầm lặng.

Tình đồng đội vượt qua sinh tử.

Sau bao năm tháng đằng đẵng nếm trải mùi thuốc súng, sự đói khát và chứng kiến bao đồng đội ngã xuống, khoảnh khắc nghe tin chiến thắng, tin hòa bình thực sự là giây phút vỡ òa của cảm xúc với CCB Nguyễn Hồng Phi. Ông vẫn nhớ vẹn nguyên cảm giác sung sướng tột cùng: "Ôi, quá phấn khởi! Ai cũng phấn khởi. Thế là hòa bình rồi, đất nước hòa bình rồi." Niềm vui lan tỏa khắp đơn vị. Suốt những năm tháng chiến đấu, nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi chính là ngày này – ngày đất nước thống nhất, nguyện vọng của mình đã đạt được, mình được về lại với gia đình."

Cảm giác được trở về sum họp với gia đình sau những năm xa cách chính là động lực lớn lao đã giữ họ vững bước trên con đường đầy gian khổ. Nhưng ngay sau niềm vui tột cùng là niềm tiếc thương dành cho những người đồng đội đã ngã xuống. Ông Phi kể lại: “Chúng tôi vui mừng bao nhiêu thì cũng lại thương cho anh em, đồng đội bấy nhiêu, Thương lắm đồng đội, anh em, nhiều người đã đổ máu, đã hy sinh... Bố mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng đi nhưng đến khi giải phóng rồi thì không thấy trở về để sum họp với gia đình được nữa. Hòa bình đánh đổi bằng quá nhiều chia ly."

Sự hy sinh không dừng lại khi tiếng súng im bặt. Nhiều người lính trở về mang theo những vết thương trên cơ thể, những mảnh đạn còn găm lại, và đặc biệt là di chứng từ chất độc hóa học. Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phi chua xót khi nói về ảnh hưởng của chất độc màu da cam lên gia đình mình: "Nói chung, cái thời chiến ấy thì chuyện bị nhiễm chất độc màu da cam là chuyện khó tránh khỏi. Vợ tôi nhiều khi nghĩ đến thì lại khóc thầm."

Những người con của ông đều mắc bệnh về mắt, thị lực rất kém do tác động của chất độc màu da cam. Rồi đến đời cháu của ông, nỗi đau chiến tranh vẫn đeo bám khi khi con đầu lòng của con gái ông lại mắc bệnh down. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự hy sinh của người lính vì Tổ quốc không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ, mà còn kéo dài qua thế hệ, là một nỗi đau thầm lặng nhưng dai dẳng của hòa bình.

Chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước hôm nay, đặc biệt là sự đổi thay đáng kinh ngạc của Thành phố Hồ Chí Minh – nơi một thời là chiến trường ác liệt – những người cựu chiến binh như ông Đặng Đức Thắng và ông Nguyễn Hồng Phi không khỏi bồi hồi xúc động và tràn đầy niềm tự hào. Vừa trở về từ TP HCM dịp 50 năm ngày Giải phóng, ông Phi chia sẻ rằng, thật hạnh phúc biết bao khi thấy sự phát triển vượt bậc của Sài Gòn nay là thành phố mang tên Bác.

Từ sự năng động và tri thức của tuổi trẻ hôm nay, những người cựu chiến binh đặt trọn niềm tin vào tương lai sáng lạn của đất nước. Họ tin rằng Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ và chắc chắn sẽ vươn mình trở thành một con rồng châu Á. Tiềm năng phát triển là rất lớn, và tốc độ để hiện thực hóa tiềm năng ấy hoàn toàn nằm trong tay thế hệ trẻ.

Những người đi qua cuộc chiến nhắn gửi: “Để đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững, thế hệ trẻ hôm nay cần không ngừng học tập, trau dồi tri thức, khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn. Đây chính là nền tảng vững chắc để các bạn có thể gánh vác cơ đồ, tiếp nối xứng đáng sự nghiệp của lớp người đi trước. Chỉ bằng trí tuệ, sự nỗ lực không ngừng và khát vọng cống hiến, chúng ta mới có thể kiến thiết một Việt Nam ngày càng phồn vinh, mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho toàn dân.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng là điều không thể xem nhẹ. Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, chủ quyền quốc gia luôn cần được bảo vệ và củng cố, thế hệ trẻ càng phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên cường bất khuất trong suốt 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trách nhiệm giữ gìn từng tấc đất biên cương, mỗi hòn đảo, vùng biển của Tổ quốc đang được lịch sử trao truyền lại cho thế hệ hôm nay.”

Thế hệ đi trước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình bằng tất cả sự dũng cảm và hy sinh phi thường. Những câu chuyện về gian khổ tột cùng, về mất mát, hy sinh, về tình đồng chí keo sơn, hay cả những di chứng chiến tranh âm thầm – tất cả là những bài học lịch sử vô cùng quý giá để lại cho thế hệ trẻ. Sự hy sinh cao cả của họ chính là nền móng vững chắc cho độc lập, tự do và sự phát triển rực rỡ của đất nước như ngày hôm nay. Vì thế, trách nhiệm lớn lao và vinh dự của tuổi trẻ là thấu hiểu sâu sắc quá khứ, trân trọng hiện tại, không ngừng nỗ lực học tập, lao động sáng tạo và luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, phồn vinh, xứng đáng với sự dâng hiến trọn vẹn của thế hệ cha anh.

Thực hiện:

Nội dung: Lê Vượng - Ngọc Thanh - Trâm Anh

Ảnh và Video: Mạnh Đức - Mỹ Thực - Lê Trung

Thiết kế: Nguyễn Thu Trang

Lê Vượng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hy-sinh-khong-chi-la-cai-chet-post1738423.tpo