Hy sinh lợi ích, dành quỹ đất thuận lợi phát triển nhà ở xã hội
Thực tế, các địa phương có thể dễ dàng bố trí quỹ đất cho khu công nghiệp, song lại chưa mặn mà trong việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Xây dựng nhà ở xã hội trở thành “chỉ tiêu bắt buộc” trong kế hoạch tổng thể phát phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của cả nước cũng như từng tỉnh, thành phố.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh điều này, đi kèm với yêu cầu “các tỉnh, thành phố phải bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội”.
Phải có quỹ đất thuận lợi
Đề án đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành; trong đó thẳng thắn nhìn nhận nhiều bất cập, hạn chế về phát triển kinh tế đô thị.
Một trong những hạn chế được chỉ ra là thị trường bất động sản phát triển chưa thực sự ổn định, lành mạnh, còn tình trạng mất cân đối cung - cầu bất động sản. Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản trải qua nhiều trạng thái khác nhau, có lúc phát triển quá nóng song có lúc đóng băng.
Đặc biệt, còn tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở trung cao cấp trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Đến nay, nhà ở xã hội mặc dù có bước phát triển mạnh mẽ, mới đạt khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra, vốn ngân sách cho nhà ở xã hội chỉ đạt 24% so với nhu cầu vốn trung hạn.
Cũng chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và nhà ở xã hội là nội dung được đặc biệt quan tâm khi xây dựng đề án phát triển đô thị lần này.
Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, thực tế, địa phương có thể dễ dàng bố trí quỹ đất cho khu công nghiệp, song lại chưa mặn mà trong việc dành đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Đó là lý do lần này các cơ quan nhấn mạnh việc tạo cơ chế để tư nhân “mặn mà” với chủ trương này, cũng như khuyến khích họ tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Nhắc đến “tín hiệu vui” khi mới đây một doanh nghiệp truyền đi thông điệp về kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội giá thấp (300-500 triệu đồng), đại diện ban Kinh tế Trung ương lưu ý việc quan trọng nhất là phải có quỹ đất.
"Các địa phương phải hy sinh lợi ích, hướng đến việc tạo quỹ đất thuận lợi nhất trong làm nhà ở xã hội cho công nhân"
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương
“Địa phương cần quán triệt bố trí quỹ đất, nhưng phải là quỹ đất ở vị trí thuận lợi, chứ khu công nghiệp ở khu này mà bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội cách 50 km thì không thể làm được”, vị này cho rằng các địa phương phải hy sinh lợi ích, hướng đến việc tạo quỹ đất thuận lợi nhất trong làm nhà ở xã hội cho công nhân.
Để thu hút tư nhân xây dựng nhà ở xã hội, ngoài câu chuyện về quỹ đất, cần giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, chính sách để giúp họ trong kêu gọi vốn hay vay vốn.
Nghịch lý "rừng" chung cư cao tầng trong vùng lõi đô thị
Ở vùng lõi trung tâm của các đô thị lớn nên là khu đa tiện ích hoặc tòa nhà cho văn phòng, nhưng một nghịch lý đang tồn tại là khu vực này lại thường mọc lên những khu chung cư rất to, rất hoành tráng.
“Vì vậy, phải thay đổi tư duy, gắn phát triển đô thị với hoạt động kinh tế mới có thể bền vững”, là quan điểm được lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương nêu thực tế nhiều địa phương phát triển khu công nghiệp nhưng không đồng bộ về hạ tầng, hoặc xây dựng đô thị nhưng chỉ đơn thuần là “đô thị để ở”, không có tác dụng gì trong phát triển kinh tế.
“Như ở Hà Nội, mật độ kinh tế ở các khu đô thị chưa cao, chưa khai thác được vùng lõi đô thị trong phát triển kinh tế. Lẽ ra ở vùng lõi trung tâm phải là những khu đa tiện tích, tòa nhà văn phòng thì chúng ta lại xây tập trung nhiều khu chung cư rất to, rất hoành tráng”, vị lãnh đạo nêu thực tế.
Theo Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thời gian qua, đô thị hóa được đẩy mạnh, hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với các đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.
Tuy có sự gia tăng về quy mô và tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ đô thị hóa đạt được vào năm 2020 thấp hơn so với mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với bình quân khu vực và thế giới.
Đáng lưu ý, các cơ quan xây dựng đề án nhận định đô thị hóa chịu ảnh hưởng nhiều của ý chí chủ quan, quyết định hành chính; phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất đai.
"Lẽ ra ở vùng lõi trung tâm phải là những khu đa tiện tích, tòa nhà văn phòng thì chúng ta lại xây tập trung nhiều khu chung cư rất to, rất hoành tráng”
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương
Thống kê cho thấy sai phạm về đất đai diễn ra trong quá trình đô thị hóa chiếm tỷ lệ lớn với tổng vi phạm về kinh tế trên 80.886 tỷ đồng và trên 94.849 ha đất; khiếu nại về đất đai chiếm tới 62,9% các vụ khiếu nại.
Phát triển đô thị ở Thủ đô Hà Nội và TP.HCM chủ yếu diễn ra ở các khu vực ven đô, ngoài vùng lõi đô thị. Với mật độ thấp, kết nối khu vực và vùng yếu, nhiều đô thị hiện nay giống như “các ốc đảo phân tán”.
Để minh chứng cho nhận định “đô thị hóa chưa đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, cơ quan xây dựng đề án cho biết dù số lượng các khu công nghiệp tại các đô thị đã tăng lên nhanh chóng, chiếm nhiều đất, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp, năm 2020 chỉ đạt xấp xỉ 57%, thấp hơn nhiều so với đô thị nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại các vùng ít hấp dẫn đầu tư, đặt xa khu dân cư, đô thị vẫn được quy hoạch và nhiều khu đô thị tách biệt với khu công nghiệp, gây khó khăn cho tận dụng và lan tỏa giá trị giữa sản xuất và tiêu dùng.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu đầu tư đầy đủ đường giao thông và kết cấu hạ tầng tại tất cả khu công nghiệp, 70.810 ha đất công nghiệp còn trống tại vùng thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ tốn khoản vốn đầu tư trên 20 tỷ USD - mà đáng lẽ có thể đã được đầu tư vào các dịch vụ ở nơi khác.