Hy vọng của Tổng thống Philippines trong chuyến thăm Mỹ

Trong tuần này, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đến Mỹ để gặp Tổng thống Donald Trump, mang theo hy vọng vị thế đồng minh chủ chốt của Washington tại châu Á sẽ giúp ông đạt được một thỏa thuận thương mại thuận lợi trước khi đến hạn chót 1/8.

 Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Marcos sẽ là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên gặp ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống lần hai. Nhà lãnh đạo Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại với hai nước Đông Nam Á, gồm Indonesia và Việt Nam.

"Tôi hy vọng cuộc thảo luận của chúng tôi sẽ tập trung vào an ninh và quốc phòng, tất nhiên cả thương mại", Tổng thống Marcos phát biểu trước khi rời Manila.

"Chúng tôi sẽ xem xét mức độ tiến triển trong các cuộc đàm phán với Mỹ về những thay đổi mà chúng tôi muốn thực hiện để giảm bớt tác động của biểu thuế quan rất nghiêm ngặt với Philippines", ông cho biết thêm.

Năm ngoái, Mỹ có thâm hụt gần 5 tỷ USD với Philippines, trong tổng kim ngạch thương mại song phương 23,5 tỷ USD. Trong tháng này, Mỹ tăng mức thuế "đối ứng” với hàng hóa Philippines từ 17% lên 20%.

Dù các đồng minh khác của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, ông Gregory Poling - chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington - cho rằng ông Marcos có thể đạt được kết quả tốt hơn các nước láng giềng.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy thỏa thuận với Philippines có mức thuế thấp hơn các nước láng giềng của họ", ông Poling nhận định.

Ông Marcos đến Washington từ ngày 20/7. Ông dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Marco Rubio và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth trong ngày 21/7, hội đàm với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng trong ngày 22/7. Ông cũng sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư vào Philippines trong chuyến thăm lần này.

Các quan chức Philippines cho biết, trọng tâm chuyến thăm của ông Marcos sẽ là hợp tác kinh tế và giải quyết những lo ngại của Manila về thuế quan. Họ cho biết ông Marcos sẽ nhấn mạnh Manila phải mạnh mẽ hơn về kinh tế nếu muốn trở thành một đối tác thực sự vững mạnh của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Raquel Solano cho biết, các quan chức thương mại của họ đã làm việc với đối tác Mỹ để có thể ký kết một thỏa thuận "có thể chấp nhận được và cùng có lợi" với cả hai nước.

Ông Solano cho biết, hai tổng thống cũng sẽ thảo luận về quốc phòng và an ninh, trong bối cảnh Manila mong muốn củng cố hơn nữa liên minh quốc phòng lâu đời.

Vào thời điểm tranh chấp trên biển liên tục leo thang, Tổng thống Marcos đã “xoay trục” trở lại Mỹ, đồng thời đầu tư tăng cường sức mạnh quân sự và hợp tác quốc tế.

Mỹ và Philippines tổ chức hàng chục cuộc tập trận hằng năm, bao gồm huấn luyện với hệ thống tên lửa Typhon của Mỹ, gần đây hơn là với hệ thống tên lửa chống hạm NMESIS.

Theo nhà nghiên cứu Poling, Tổng thống Trump dường như cũng có thiện cảm nhất định với ông Marcos, dựa trên cuộc điện đàm của họ sau bầu cử.

Tú Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hy-vong-cua-tong-thong-philippines-trong-chuyen-tham-my-post1762200.tpo