Lô xe tăng Abrams đầu tiên từ Australia đã được biên chế cho Ukraine
Australia bàn giao cho Ukraine lô xe tăng M1A1 Abrams đầu tiên gồm hàng chục chiếc, 9 tháng sau khi đưa ra cam kết viện trợ cho Kiev.
"Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese tiếp tục duy trì ủng hộ vững chắc với Ukraine, khi bàn giao lô xe tăng M1A1 Abrams đầu tiên cho quân đội Ukraine", Bộ Quốc phòng Australia thông báo hôm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nói rằng hơn một nửa trong số 49 chiếc M1A1 Abrams mà Canberra cam kết viện trợ cho Kiev đã được chuyển giao trong đợt này.
Số còn lại sẽ tới tay quân đội Ukraine trong vài tháng tới. "Australia vẫn kiên định ủng hộ Ukraine và mong muốn nền hòa bình công bằng, lâu dài", ông nói.

Đại sứ Ukraine Vasyl Myroshnychenko xác nhận thông tin và gửi lời cảm ơn tới Australia.
Australia tháng 10/2024 cam kết viện trợ cho Ukraine 49 xe tăng M1A1 Abrams đã qua sử dụng, song quá trình chuyển giao bị trì hoãn tới 9 tháng, dường như do Mỹ ngăn cản.
Ràng buộc trong hợp đồng yêu cầu Australia phải được Mỹ chấp thuận trước khi chuyển xe tăng cho bên thứ ba như Ukraine.
Washington sau đó đồng ý để Canberra bàn giao loạt xe tăng Abrams cho Kiev. Trong cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Italy hôm 18/5, Thủ tướng Albanese cho biết lô xe tăng đầu tiên đang trên đường tới Ukraine.
Australia mua 59 xe tăng M1A1 Abrams hồi năm 2007, nhưng chúng chưa bao giờ được triển khai trong thực chiến.
Chúng được thay thế bằng mẫu M1A2 SEPv3 mới
Thời gian qua Kyiv đã liên tục tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Canberra bên cạnh các nỗ lực vận động Washington, London và Berlin.
Xe tăng M1A1 Abrams dù không hiện đại bằng các phiên bản M1A2 sau này nhưng vẫn được đánh giá là dòng chiến xa cực mạnh khi có vỏ giáp bằng uranium nghèo, cùng hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.
Biến thể M1A1 Abrams là phiên bản nâng cấp từ dòng chiến xa chủ lực M1 Abrams do hãng General Dynamics của Mỹ phát triển.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 1986.
So với phiên bản M1 Abrams, M1A1 Abrams có lớp giáp bảo vệ được cải thiện. Trong đó phía trước tháp pháo và hai bên thân có thêm lớp giáp composite tiên tiến được gia cố bằng uranium nghèo.
Khoang đạn dược được lưu trữ trong phần sau của tháp pháo với thiết kế đặc biệt để hạn chế tối đa thương vong cho binh sĩ trong trường hợp bị trúng đạn.
Bên trong khoang xe được lót thêm vật liệu chống đạn Kevlar để bảo vệ kíp lái. Ngoài ra Mỹ cũng lắp đặt các hệ thống gây nhiễu để đối phó với tên lửa chống tăng hiện đại của đối phương.
Về hỏa lực, xe tăng M1A1 Abrams được trang bị pháo nòng trơn M256 cỡ nòng 120mm, đây thực chất là phiên bản sản xuất nội địa của khẩu pháo Rheinmetall 2A5 của Đức.
Khẩu pháo này có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 4 km. Đây là khoảng cách rất đáng nể ở thời điểm chiếc chiến xa ra đời.

Không thể không nhắc tới loại đạn xuyên giáp đặc biệt M829A2 được Mỹ phát triển cho M1A1 Abrams để chống lại các xe tăng đối phương.
Tổng cộng có 40 viên đạn được trang bị cho xe tăng M1A1 Abrams. Trong đó, 34 viên đạn được cất giữ trong tháp pháo, trong khi 6 viên khác được cất giữ trong khoang chiến đấu.
Vũ khí trang bị thứ cấp gồm súng máy 7,62 mm đồng trục, một súng máy 7,62 mm khác lắp trên nóc xe do xạ thủ vận hành và súng máy 12,7 mm do chỉ huy vận hành.
Để cơ động xe tăng được trang bị động cơ tuabin khí AGT1500 của Avco Lycoming (nay là Honeywell), công suất 1 500 mã lực. Động cơ này giúp chiếc xe tăng M1A1 Abrams nặng 57 tấn chạy với vận tốc tối đa 67 km/h, tầm hoạt động 465 km.
Giới phân tích cho rằng, với những tính năng tác chiến cực mạnh, phiên bản M1A1 Abrams vẫn có sức mạnh ngang ngửa với một số dòng tăng chủ lực của Nga, trong đó có T-90M.
Việc sản xuất kết thúc vào năm 1992, tổng cộng có khoảng 4.800 xe tăng M1A1 Abrams đã được chế tạo.
Hiện tại Mỹ đã rút phần lớn xe tăng chủ lực M1A1 Abrams ra khỏi biên chế và đưa vào dạng niêm cất.
Hiện chỉ còn 800 chiếc M1A1 Abramas đang hoạt động, trong đó có 400 chiếc đang phục vụ trong lục quân và 400 chiếc còn lại đang biên chế cho lực lượng thủy quân lục chiến.
Ngoài Mỹ còn có Úc, Ai Cập, Iraq và mới nhất là Ukraine cũng đã và đang vận hành loại xe tăng này, tuy vậy các phiên bản xuất khẩu đều đã bị cắt đi tính năng giáp uranium nghèo.