Hy vọng mới cho giáo viên, sinh viên sư phạm
Tin vui cho những giáo viên và sinh viên sư phạm sắp ra trường là dự kiến từ ngày 1-7-2024, những cải cách tiền lương sẽ giúp thu nhập của giáo viên được cải thiện. Đây là giải pháp quan trọng góp phần ngăn tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc và thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.
Theo đuổi ngành sư phạm vì đam mê, Nguyễn Thủy Anh, sinh viên năm cuối Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm. Thủy Anh đã tham dự các ngày hội việc làm, tìm kiếm cơ hội, ứng tuyển vào các trường học trên địa bàn Hà Nội với hy vọng tìm được công việc theo đúng với ngành học, tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo. “Em học ngành sư phạm Vật lý, dạy bằng tiếng Anh nên em kỳ vọng mức thu nhập khi mới ra trường sẽ từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng”, Thủy Anh chia sẻ.
Trái lại, em Nguyễn Thái Sơn, sinh viên năm thứ 3 Khoa Toán-Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dù đã chủ động tìm cơ hội việc làm nhưng lo lắng lương hiện tại ở mức 4-5 triệu đồng/tháng sẽ không đủ sống, đặc biệt ở Hà Nội. Trong khi Thủy Anh, Thái Sơn và nhiều sinh viên sư phạm khác vẫn kiên trì tìm kiếm cơ hội trở thành giáo viên thì không ít nhà giáo, vì áp lực cuộc sống, áp lực kinh tế, đã phải ngậm ngùi tìm hướng đi khác.
Chị Nguyễn Thị Thoa, nguyên giáo viên mầm non tại Việt Yên, Bắc Giang là một trong số đó. Sau nhiều lần đắn đo, năm 2022, chị Thoa quyết định đặt bút ký lá đơn xin nghỉ việc, tập trung cho việc kinh doanh. Cô giáo mầm non ngày nào giờ đã là một tiểu thương cung cấp đồ điện trên địa bàn huyện, tất bật với công việc hằng ngày. Chia sẻ về lý do nghỉ việc, chị Thoa nói rằng, nguyên nhân chủ yếu là thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Câu chuyện của các nhà giáo là một thực tế đang diễn ra và điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề cập nhiều lần. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Ngoài ra, còn có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (10.094 trường hợp nghỉ hưu, 9.295 trường hợp nghỉ việc). Bộ GD-ĐT nhận định, một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng thiếu giáo viên so với nhu cầu là số học sinh tăng cơ học ở tất cả các cấp.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế. Sự chuyển dịch lao động giữa các vùng, miền với số lượng lớn và không có quy luật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu bậc tiểu học phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày, bổ sung thêm một số môn học bắt buộc. Còn về lý do khiến giáo viên nghỉ việc, có nhiều nguyên nhân, như áp lực nghề nghiệp, giáo viên cảm thấy không đủ năng lực đáp ứng...
Dù thiếu trầm trọng giáo viên trong bối cảnh dạy và học theo chương trình mới, nhưng có một nghịch lý đang xảy ra tại nhiều địa phương, đó là dù đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhưng vẫn không thu hút được sinh viên sư phạm mới ra trường ứng tuyển. PGS, TS Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định rằng, mức lương thấp đã khiến nhiều giáo viên tìm hướng đi khác và kỳ vọng chính sách mới sẽ cải thiện tình hình này.
Kỳ vọng chính sách cải cáchtiền lương
Theo các nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, dự kiến từ ngày 1-7-2024, lương giáo viên sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, chưa rõ liệu cải cách này có thực sự hấp dẫn các sinh viên sư phạm hay không.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS, TS Bế Trung Anh, đại biểu Quốc hội khóa XV nhận định, nếu giáo viên vừa phải dạy học, vừa phải lam lũ kiếm thêm thu nhập thì rất khó để công tác. Hiện nay, nhiều giáo viên mặc dù đã công tác trong ngành hơn 10 năm, thu nhập vẫn chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Để trang trải cuộc sống, nhiều thầy, cô giáo phải làm cả nghề tay trái. Do đó, chính sách tiền lương mới cho giáo viên là rất cần thiết.
Còn theo quan điểm của PGS, TS Nguyễn Văn Trào, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng ưu ái nhà giáo, luôn hướng tới việc giáo viên sẽ có thang bảng lương cao nhất để thầy cô sống được bằng lương. Ông hy vọng chính sách tiền lương mới sẽ tác động tích cực đến nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 27 của Trung ương, việc trả lương cho nhà giáo theo vị trí việc làm, bãi bỏ phụ cấp thâm niên cũng gây ra những tâm tư nhất định với các nhà giáo đã công tác lâu năm trong ngành.
Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, hiện tại các cấp có thẩm quyền đang xem xét, quyết định việc thực hiện chính sách tiền lương mới. Có một nguyên tắc được xác định khi xây dựng chính sách tiền lương mới là khi chuyển xếp lương, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Với nguyên tắc này, hy vọng tiền lương của đội ngũ nhà giáo sẽ có bước cải thiện rõ rệt.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hy-vong-moi-cho-giao-vien-sinh-vien-su-pham-5008310.html