Hy vọng từ một dự án luật
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội sẽ phấn đấu thông qua 18 dự án luật; cho ý kiến 10 dự án luật. Trong số các dự án luật đưa ra lấy ý kiến, có một dự án luật đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội, đó là Luật Nhà giáo.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và đào tạo, đơn vị chủ trì thực hiện xây dựng Dự án Luật Nhà giáo, qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, Luật Nhà Giáo gồm có 9 chương, 45 điều nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Nếu Luật Nhà giáo được xem xét, thông qua sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, tốt về chất lượng. Bên cạnh đó, tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Đặc biệt, những điểm mới của Luật Nhà giáo đã cập nhật đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn về công việc liên quan đến nhà giáo. Trong đó, điểm mới được cho là có bước đột phá chính là việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Đây là vướng mắc từ lâu khiến ngành giáo dục cả nước rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn do những quy định liên quan đến biên chế, chính sách tuyển dụng… Vì vậy, nếu được giao quyền chủ động trong xây dựng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý, bài toán về thiếu giáo viên sẽ cơ bản được giải quyết hiệu quả.
Hay như chính sách tiền lương của nhà giáo, theo Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên và các chế độ ưu tiên vùng, miền, giảng dạy ở một số ngành nghề đặc thù… Đây là điều rất được các nhà giáo trông đợi vì sẽ góp phần chia sẻ khó khăn, áp lực đối với nhà giáo, giúp họ yên tâm công tác và cống hiến.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định cụ thể về chuẩn hóa đội ngũ thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp ở từng cấp học; quy định về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp một cách linh hoạt, phù hợp… Hy vọng khi đưa ra lấy ý kiến tại diễn đàn Quốc hội, sẽ có những góp ý thể hiện tầm nhìn, sát thực tiễn hơn nữa để Luật Nhà giáo sớm hoàn chỉnh, nhanh chóng được xem xét, thông qua.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/hy-vong-tu-mot-du-an-luat-a08073e/