Ì ạch các dự án đường cao tốc kết nối Tây Nguyên
Khu vực Tây Nguyên hiện chỉ có khoảng 19km đường cao tốc đi qua tỉnh Lâm Đồng (nối từ sân bay Liên Khương đi TP Đà Lạt), còn lại những dự án khác mới triển khai nhưng thi công chậm hoặc sau nhiều năm vẫn còn nằm trên giấy. So với các vùng miền khác, Tây Nguyên hiện đang bị tụt lại khá xa trên bản đồ mạng lưới đường cao tốc ở Việt Nam.
Dài cổ chờ khởi công
Sau thời gian dài chuẩn bị, hai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được kỳ vọng khởi công từ năm 2023 để rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đi Đà Lạt từ 7-8 tiếng xuống còn hơn một nửa. Hai dự án cao tốc này có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140km, mức đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Đây cũng là hai dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối Lâm Đồng, Đồng Nai và TPHCM.
Theo kế hoạch, hệ thống cao tốc toàn tuyến sẽ có 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở... và chủ động triển khai thực hiện thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi giải phóng mặt bằng, cũng như chuẩn bị đầu tư khu tái định cư. Về bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, đối với dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, năm 2023 được bố trí 466,053 tỷ đồng; năm 2024 được bố trí 1.575 tỷ đồng.
Tương tự, dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương trong năm 2024 được bố trí vốn từ ngân sách là 949,9 tỷ đồng, nhưng đến nay nguồn vốn chưa thực hiện giải ngân (do đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư). Ông Võ Ngọc Minh Phát, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Ban đang tích cực phối hợp nhà đầu tư đề xuất dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án theo cam kết. Tuy nhiên, thẩm quyền thẩm định các hồ sơ, thủ tục của dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc thuộc các bộ, ngành, Trung ương nên tiến độ đề ra bị ảnh hưởng”. Cụ thể, theo chủ trương đầu tư dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/ QĐ-TTg ngày 10-11-2022, diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 186,21ha, nhưng do việc điều chỉnh hướng tuyến tại bước báo cáo nghiên cứu khả thi làm thay đổi diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dự án này còn 172,65ha, giảm 13,56ha.
Theo ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, do chưa được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nên chưa có cơ sở pháp lý để mở tài khoản dự án tại Kho bạc Nhà nước. Dự án này cũng chưa được phê duyệt nên chưa có căn cứ pháp lý thực hiện thanh toán chi phí thuê đơn vị tư vấn lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Còn tại dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (đầu tư theo phương thức đối tác công tư, giai đoạn 1), ông Phạm Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng Phương Trang, đại diện liên danh nhà đầu tư, kiến nghị tỉnh Lâm Đồng có cơ chế tăng tỷ lệ vốn đầu tư nhà nước, chia sẻ doanh thu, bố trí bãi vật liệu, kinh phí xây dựng hạ tầng khu tái định cư, thủ tục pháp lý và chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng để dự án sớm triển khai. Cụ thể, cần điều chỉnh tăng vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án lên 49,5%, vốn nhà đầu tư huy động chiếm 50,5%.
Trước đó, ngày 19-4-2024, HĐND tỉnh Lâm Đồng ban hành nghị quyết, trong đó cơ cấu vốn ngân sách nhà nước khoảng 39,7%, tương đương khoảng 7.761 tỷ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Liên quan đến đề xuất trên, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đã giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xem xét thực tế nguồn lực của tỉnh, đề xuất cơ chế, chính sách đảm bảo đồng bộ với tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và phù hợp với quy định của pháp luật. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, tỉnh Lâm Đồng đặt quyết tâm cao là phải sớm triển khai đầu tư 2 dự án cao tốc qua địa bàn, mục tiêu là khởi công trong tháng 12-2024.
“Giậm chân tại chỗ” vì vướng mặt bằng
Trong khi đó, ghi nhận tại dự án thành phần 2, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Ban Quản lý Dự án 6, Bộ GTVT làm chủ đầu tư), hàng loạt máy móc của các nhà thầu được tập trung tại đây nhưng vẫn chưa thi công do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Trịnh Trung Lượng, Giám đốc điều hành dự án của Tập đoàn Đạt Phương, cho biết, đơn vị trúng thầu 2km, trong đó có 1 hầm và 3 cây cầu thuộc dự án thành phần 2 (dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1). Từ ngày khởi công dự án (18-6-2023) đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để thi công. Nguyên nhân do mặt bằng đều nằm trên diện tích rừng tự nhiên. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gặp nhiều khó khăn nên nhà thầu chưa có mặt bằng để triển khai dự án, ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.
Ông Phan Tất Thành, Giám đốc điều hành dự án thành phần 2 cho biết, một số nhà thầu chưa có mặt bằng thi công do vướng 45ha rừng tự nhiên (tương đương chiều dài tuyến hơn 10km). Các cơ quan chức năng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, nhưng đang trong giai đoạn xử lý số lượng gỗ trong 45ha rừng, nên chậm bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Tại dự án thành phần 3 do Ban Quản lý Dự án tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư cũng đang gặp vướng khi mới có 8 bãi đổ thải được UBND tỉnh chấp thuận. Trong đó, 4 bãi thải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, còn lại 4 bãi thải đang chờ điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Các nhà thầu thi công cao tốc không thể thi công phần nền đường vì không có vị trí đổ thải dẫn đến ảnh hưởng tiến độ.
Dự án tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 32km trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2 với chiều dài khoảng 37,5km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 với chiều dài hơn 48km đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Theo một lãnh đạo Ban Quản lý Dự án tỉnh Đắk Lắk, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh thống nhất vị trí 28 bãi thải tạm nhưng vẫn chưa được chấp thuận. UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tập trung giải quyết vấn đề bãi thải để các đơn vị nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ của dự án. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, Ban Quản lý Dự án tỉnh cho biết, đến nay, việc GPMB Hợp phần 1 dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã đạt trên 168ha, tương đương 74%, và được bàn giao để nhà thầu thi công. Tại Gói xây lắp số 1 (Km0+00 - Km 22+00), hiện nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải đang triển khai thi công nền đường, cống thoát nước...
Ngoài ra, Tập đoàn Sơn Hải cũng huy động nhân sự, máy móc tạo mặt bằng, đắp nền đường. Riêng Gói thầu 2 với 10km được 4 nhà thầu liên danh thực hiện, việc thi công còn chậm do vướng GPMB. Theo Ban Quản lý Dự án tỉnh Khánh Hòa, để thực hiện 32km đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, địa phương cần GPMB 228ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp vừa giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp các Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở TN-MT, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh khẩn trương tập trung hoàn thiện các hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và hồ sơ đánh giá tác động môi trường của hai dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các địa phương có tuyến cao tốc đi qua chuẩn bị trước các điều kiện và hoàn thiện bộ máy, bổ sung nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thành phần đối với công tác bồi thường GPMB, tái định cư. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao các đơn vị tham mưu để thành lập mới Ban Chỉ đạo dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương để hoạt động có hiệu quả hơn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/i-ach-cac-du-an-duong-cao-toc-ket-noi-tay-nguyen-post744929.html