Ì ạch cao tốc miền Tây
10 năm qua, kể từ khi tuyến đường cao tốc TP HCM-Trung Lương (khoảng hơn 60km) được đưa vào sử dụng, khu vực miền Tây Nam bộ (13 tỉnh, thành) chưa thể có thêm bất cứ cây số đường cao tốc nào. Đáng nói hơn, những dự án đường cao tốc ở khu vực này như Bến Lức-Long Thành hay Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ… cũng gặp không ít khó khăn.
Được khởi công năm 2014, dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành dài 57km, với nguồn vốn dự kiến khoảng 31.320 tỷ đồng. Mặc dù phần lớn nằm trên địa bàn TP HCM với các địa phương là Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ nhưng đây là dự án có vai trò cực kỳ quan trọng với khu vực miền Tây Nam bộ. Nguyên nhân bởi dự án sẽ kết nối với tuyến đường cao tốc hiện hữu là TP HCM-Trung Lương. Khi khởi công, dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành năm 2018 nhưng đến nay (tháng 11/2020) đạt chưa tới 80% khối lượng công việc.
Điều đáng nói hơn, dự án đã bị tạm ngưng nhiều tháng qua với hầu hết các gói thầu quan trọng (gồm 2 cây cầu Bình Khánh, Phước Khánh) đều dang dở. Do dự án sử dụng hầu hết nguồn vốn vay nước ngoài thông qua Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nên hiện nay, khi các thủ tục vay vốn cũ hết hạn, việc tiếp tục vay vốn và triển khai lại dự án này dự báo sẽ gặp nhiều vấn đề về thủ tục. Và vì thế, mốc thời gian chính thức hoàn thành dự án có điểm đầu tiên tại Bến Lức (tỉnh Long An) đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Cũng long đong không kém, dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (thuộc trục cao tốc Bắc-Nam) dài 51km đã nhiều lần khởi công sau đó phải tạm ngưng. Năm 2019, dự án được tái khởi động với sự tham gia của Tập đoàn Đèo Cả cùng nhiều kỳ vọng sẽ hoàn thành vào tết Kỷ Sửu năm 2021 và chính thức thông xe vào ngày 30/4/2021. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay (tháng 11/2020), dự án này mới hoàn thành khoảng hơn 50% khối lượng công việc. Mặc dù đang gấp rút triển khai nhưng cũng gặp nhiều trở ngại. Đó là sự cố nhiều nhà thầu phụ của dự án bị tố thiếu nợ tiền các doanh nghiệp cung cấp vật liệu cũng như chất lượng vật liệu lót nền có vấn đề.
Trong khi đó, với chiều dài chưa tới 23km nhưng dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng trải qua nhiều phen lận đận. Được phê duyệt với nguồn vốn đầu tư PPP (công đối tư) từ năm 2007, dự án cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Với nguồn vốn dự kiến là hơn 5.400 tỷ đồng, doanh nghiệp tham gia xây dựng sẽ được thu phí trên tuyến đường này và thu phí cả trên dự án cao tốc TP HCM-Trung Lương theo hình thức hỗ trợ. Tuy nhiên, sau một thời gian dự án lại được chuyển sang hình thức đầu tư công, với 100% là nguồn vốn ngân sách. Hiện nay, dự án đang gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12/2020.
Ngoài ra, nhiều dự án xây dựng đường cao tốc ở khu vực miền Tây Nam bộ khác cũng được phê duyệt từ rất sớm, thậm chí từ hàng chục năm trước nhưng đã bị thay đổi thiết kế, thay đổi phương thức đầu tư, nguồn vốn… dù chưa chính thức được tiến hành.
Theo một chuyên gia, việc các dự án hạ tầng giao thông ở khu vực miền Tây Nam bộ đồng loạt gặp khó có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên do địa chất khu vực này khó triển khai các dự án hạ tầng đường bộ khiến nguồn vốn luôn cao hơn các địa phương khác. Đặc biệt, do hệ thống sông ngòi nhiều, đan xen khiến cho các dự án cũng bị đội vốn cao hơn, thi công khó khăn hơn. Và một nguyên nhân nữa cũng phải kể tới là các dự án cao tốc ở khu vực này bị chia cắt, khá manh mún khiến cho các doanh nghiệp e dè thực hiện. Bởi với chiều dài quá ngắn, việc thu hồi nguồn vốn của dự án sẽ gặp nhiều khó khăn…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/i-ach-cao-toc-mien-tay-523592.html