Ia Broăi nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn

Những năm qua, tình trạng tảo hôn ở xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn ở mức cao, gây nhiều hệ lụy. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cùng với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân nhằm kéo giảm tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Gia đình chị Nay H'Nơn (buôn Ia Rniu) thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống khó khăn khiến chị H'Nơn (SN 1996) già hơn rất nhiều so với tuổi. Cả 4 đứa con của chị vừa được chính quyền địa phương hỗ trợ làm giấy khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiêm phòng các loại vắc xin bổ sung cách đây 3 tháng.

Thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết nên đói nghèo bủa vây gia đình chị Nay H'Nơn (buôn Ia Rniu, xã Ia Broăi) từ khi chị lấy chồng. Ảnh: V.C

Thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết nên đói nghèo bủa vây gia đình chị Nay H'Nơn (buôn Ia Rniu, xã Ia Broăi) từ khi chị lấy chồng. Ảnh: V.C

Chị H'Nơn ngậm ngùi kể: Năm 2012, trong khi đi gọt mì thuê cùng người thân thì chị quen anh Rơ Ô Trí (huyện Krông Pa). Lúc này, vợ anh Trí mới qua đời. Hai người dần nảy sinh tình cảm rồi quyết tâm về ở chung nhà dù chị H'Nơn chưa đủ tuổi kết hôn. Sau đó 1 năm, tai ương liên tiếp ập tới. Cha bị ngộ độc rồi mẹ bị điện giật lần lượt qua đời khi chị H'Nơn sinh con trai đầu lòng. Sau khi lấy chồng, chị chỉ quanh quẩn ở nhà. Mọi chi tiêu hàng ngày phụ thuộc vào chồng.

Tuy nhiên, anh Trí lười lao động, sáng xỉn chiều say, thường xuyên đánh đập vợ con. 2 vợ chồng không đăng ký kết hôn, giấy tờ tùy thân cũng bị thất lạc nên những đứa trẻ ra đời không được làm giấy khai sinh, đồng nghĩa với việc chúng chưa một ngày đến trường. Căn nhà chỉ rộng hơn 10 m2 đã xuống cấp. Trong nhà cũng chẳng có tài sản gì đáng giá ngoài mấy cái xoong và ít chén đũa đủ cho 6 người. Không điện, không nước, mọi sinh hoạt của gia đình chị phụ thuộc vào bà con hàng xóm.

“Cách đây 3 hôm, chồng mình bảo đi làm thuê dưới Krông Pa mấy ngày để kiếm gạo ăn mà hơn tuần rồi chưa thấy về. Nhà hết gạo, sáng nay, thằng cu lớn mới đi bắt được ít ốc bươu vàng, lát mình luộc làm cà xóc cho lũ nhỏ ăn trừ cơm. Vướng con nhỏ nên mình chẳng đi làm thuê gì được. Chồng không về thì mấy mẹ con chỉ biết nhịn đói”-chị H'Nơn buồn bã nói. Nói rồi, vừa bế con gái út, chị vừa lúi húi thổi lửa. 2 đứa con (4 tuổi và 8 tuổi) khép nép túm áo mẹ, ngồi chờ món ốc luộc.

Cách đó không xa, ở buôn Broăi, Kpă H'Ôi (SN 2007) lủi thủi một mình trong căn nhà trống hoác. Kpă H'Ôi lập gia đình vào tháng 4-2023. Chồng hơn H'Ôi 2 tuổi, nhà thuộc diện hộ nghèo ở xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Vợ chồng quen nhau khi cùng đi làm thuê tại huyện Ia Grai. Đến khi H'Ôi phát hiện mình mang bầu, cả 2 quyết định xin phép gia đình cho làm đám cưới. Chuyện đã lỡ rồi nên hai bên gia đình đành phải chấp nhận. Sau khi về chung 1 nhà, H'Ôi bị ốm nghén phải ở nhà dưỡng thai còn chồng tiếp tục đi làm thuê.

Mặc dù mới 15 tuổi nhưng Kpă H'Ôi (buôn Broăi) đã chuẩn bị làm mẹ. Ảnh: Vũ Chi

Mặc dù mới 15 tuổi nhưng Kpă H'Ôi (buôn Broăi) đã chuẩn bị làm mẹ. Ảnh: Vũ Chi

Theo H'Ôi xuống gian bếp nhỏ, chúng tôi không khỏi xót xa khi bữa cơm chỉ có vài con cá khô. H'Ôi chia sẻ: “Chồng và ba đi làm đã hơn 3 tháng nay chưa về nên em chẳng có tiền mua thức ăn. Từ khi có bầu đến giờ, em chưa đi khám thai lần nào, ăn uống không đủ chất nên em sợ con sinh ra bị suy dinh dưỡng. Thôi đến đâu hay đến đó, chứ giờ sắp sinh rồi”.

Bà Kpă H'Yư-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Broăi-cho hay: Từ năm 2018 đến nay, xã có 56 cặp tảo hôn. Riêng năm 2023 có 6 cặp. Thực trạng này xuất phát từ tập quán lạc hậu coi việc lấy vợ, lấy chồng sớm là để có thêm người lao động. Bên cạnh đó, hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh, nhiều thông tin xấu ảnh hưởng, dẫn tới nhiều thiếu niên yêu đương, lấy vợ lấy chồng sớm. Nhiều trường hợp bố mẹ không mong muốn nhưng vẫn phải cho cưới vì con lỡ có bầu.

Để ngăn chặn tình trạng này, từ đầu năm đến nay, Hội phối hợp với các ban, ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động lồng ghép nội dung liên quan đến tảo hôn để nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ; đồng thời, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội giúp đỡ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua kết nối, vừa qua, Hội phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ sửa chữa nhà ở, kéo điện, nước sinh hoạt và hỗ trợ 1 con bò sinh sản cho gia đình chị H'Nơn.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Nay Ham thì cho rằng: Tình trạng tảo hôn không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các cặp vợ chồng mà con cái sinh ra có nguy cơ hay đau ốm, suy dinh dưỡng; vợ chồng trẻ không có việc làm ổn định dẫn đến kinh tế khó khăn, dễ xảy ra mâu thuẫn.

“Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong hôn nhân, chính quyền địa phương sẽ tranh thủ nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để làm gương, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn”-Phó Chủ tịch UBND xã Nay Ham nhấn mạnh.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ia-broai-no-luc-ngan-chan-nan-tao-hon-post255534.html