Ia Grai: 'Nóng' tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số
Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có 71 trường hợp tảo hôn, chiếm 13,67% số cặp kết hôn trong cùng thời điểm. Trong đó, 70 trường hợp tảo hôn là người dân tộc thiểu số ở 13/13 xã, thị trấn. Đây là thực trạng đáng quan ngại, đòi hỏi chính quyền các cấp cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Theo số liệu thống kê, xã Ia O có 23 cặp đăng ký kết hôn thì có tới 13 cặp tảo hôn, chiếm 56,5%. Tình trạng này cũng diễn ra ở xã Ia Chía với tỷ lệ tảo hôn chiếm 54% trong số các cặp kết hôn, xã Ia Sao chiếm 35%. Các xã: Ia Dêr, Ia Pếch và Ia Grăng đều có 6 trường hợp tảo hôn.
Có thể xác định một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn là do nhận thức của một số gia đình người dân tộc thiểu số muốn con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm người lao động. Do kinh tế gia đình khó khăn, con em bỏ học sớm nảy sinh tình cảm yêu đương và tảo hôn. Một bộ phận thiếu niên chịu sự tác động xấu của mạng internet, tiêm nhiễm văn hóa đồi trụy, yêu đương sớm, có thai ngoài ý muốn, đặt gia đình vào thế bị động, phải tổ chức đám cưới khi con em chưa đủ tuổi.
Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các ngành, địa phương trong huyện đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thanh-thiếu niên. Cụ thể, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã thành lập 7 câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 7 xã, thị trấn; Huyện Đoàn thành lập 3 câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” tại xã Ia Tô, Ia Hrung và Ia Bă với 40 thành viên; Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, cân bằng giới tính, nâng cao chất lượng dân số; Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức các chương trình ngoại khóa giáo dục giới tính cho học sinh.
Bà Bùi Thị Nga-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Ia Kha-cho biết: “Thông qua Câu lạc bộ “Gia đình hội viên phụ nữ không có tảo hôn”, chúng tôi tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình cũng như những quy định xử phạt đối với trường hợp tảo hôn. Vận động chị em phụ nữ giáo dục con em mình không để chúng lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp truyền thông chưa phát huy tác dụng. Trong khi đó, các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền cấp xã chưa thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp tảo hôn nào bị xử phạt để mang tính răn đe. Việc phát hiện các trường hợp tảo hôn khá muộn (thường là khi gia đình tổ chức lễ cưới hoặc khi các cặp đôi đi làm thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh cho con…) thì chính quyền địa phương mới phát hiện nên rất khó ngăn chặn. Vì vậy mà vấn nạn tảo hôn vẫn âm ỉ kéo dài trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống của người dân. Do vậy, mới đây, UBND huyện đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2021-2025.
Về biện pháp ngăn chặn vấn nạn tảo hôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Văn Đông cho biết: Trước hết, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ ở thôn, làng. Đây là lực lượng có thể phát hiện sớm các trường hợp tảo hôn để tuyên truyền vận động, ngăn chặn kịp thời. “Cùng với đó, UBND các xã, thị trấn cần tăng cường xử lý một số trường hợp để làm gương. Nếu địa phương nào không thực hiện thì cuối năm không xét thi đua, khen thưởng. Cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an huyện tiến hành điều tra một số trường hợp đặc biệt để truy cứu trách nhiệm hình sự”-Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.
BẠCH PHƯƠNG LỘC