Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ thủy lợi Ia Năng, gia đình ông Phạm Mẫn (tổ 4, thị trấn Ia Kha) có nguồn thu nhập khá. Ông Mẫn cho biết: Năm 2017, ông bắt đầu nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy lợi Ia Năng.

“Với quy mô như hiện nay, mỗi năm, tôi thu được khoảng 4-5 tấn cá. Hiện nay, giá cá diêu hồng dao động trong khoảng 38-42 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 40 triệu đồng”-ông Mẫn nói.

Hiện nay, các hộ nuôi cá tại xã Ia Tô đã tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên để giảm chi phí. Ông Phạm Ngọc Thọ (thôn 6, xã Ia Tô) cho hay: Gia đình ông có ao nuôi cá rộng gần 1 ha. Mỗi năm, ông thả 2-3 tấn cá giống các loại để phục vụ khách đến câu dịch vụ và nấu ăn tại chỗ.

“Để giảm chi phí và tăng chất lượng thịt cá, tôi chú trọng sử dụng thức ăn từ tự nhiên cho cá. Theo đó, tôi không sử dụng cám mà cắt cỏ và mua bắp cho cá ăn để chất lượng thịt thơm, dai. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình lãi khoảng 50 triệu đồng”-ông Thọ chia sẻ.

 Việc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với đơn vị đủ chức năng lấy mẫu nước quan trắc tại các lòng hồ thủy điện, thủy lợi và ao nuôi cũng giúp người dân Ia Grai nắm bắt đất lượng nguồn nước để đầu tư nuôi cá. Ảnh: N.H

Việc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với đơn vị đủ chức năng lấy mẫu nước quan trắc tại các lòng hồ thủy điện, thủy lợi và ao nuôi cũng giúp người dân Ia Grai nắm bắt đất lượng nguồn nước để đầu tư nuôi cá. Ảnh: N.H

Tận dụng nguồn nước từ hồ thủy lợi Ia Châm, ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô) đã đào ao rồi dẫn nước vào nuôi cá trắm để tăng thêm thu nhập. Với diện tích hơn 1 sào, mỗi năm, ông thả khoảng 13 kg cá trắm giống. Khi cá còn nhỏ, ông cho ăn một ít cám. Khi cá từ tháng thứ 3 trở lên, ông cắt nhỏ chuối cây và cắt thêm cỏ để làm thức ăn cho cá.

“Với cách nuôi này, chi phí đầu tư không đáng kể. Mỗi năm, gia đình tôi thu được hơn 3 tạ cá, bán với giá 90-95 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 25 triệu đồng”-ông Đại cho hay.

 Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Trao đổi với P.V, ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-thông tin: Với hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi và sông suối, Ia Grai có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Qua kết quả quan trắc nước mặt của ngành chức năng cho thấy: Chất lượng nguồn nước mặt tại các khu vực này đảm bảo an toàn cho việc nuôi trồng thủy sản.

Thời gian qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá để cải thiện thu nhập. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế trong việc nuôi trồng thủy sản, huyện đã khuyến cáo người dân đưa các giống thủy sản phù hợp, có năng suất, sản lượng cao vào nuôi; hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng.

Đến nay, diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản trên địa bàn huyện đạt gần 430 ha, trong đó, diện tích khai thác tự nhiên 382 ha; diện tích ao và lồng nuôi là 47,7 ha. Các loại thủy sản được nuôi chủ yếu là cá lăng, rô phi, cá mè, trắm… Năm 2024, tổng sản lượng cá khai thác tự nhiên và từ lồng nuôi trên địa bàn huyện đạt hơn 300 tấn.

NHẬT HÀO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ia-grai-phat-trien-nghe-nuoi-ca-nuoc-ngot-post316353.html