Ia Grai: Thành tựu đáng ghi nhận sau nửa nhiệm kỳ đại hội
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII. Nhờ đó, kinh tế của huyện đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: “Ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện và từng bước phục hồi phát triển sau đại dịch Covid-19, duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Huyện đã tập trung triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng đa dạng, gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Tổng diện tích gieo trồng năm 2023 ước đạt là 51.311 ha. Giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 tăng trên 6,6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết”.
Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, đến nay, huyện đã có 10 sản phẩm được chứng nhận đạt 3 sao cấp tỉnh, 4 sản phẩm đạt 4 sao. Huyện cũng đã xây dựng được 12 mã số vùng trồng chanh dây, chuối, thanh long, mít, sầu riêng phục vụ xuất khẩu. Ngành chăn nuôi phát triển, từng bước hình thành các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, lai hóa, nạc hóa đàn bò thịt chất lượng cao, số lượng tăng qua từng năm. Ước đến cuối năm 2023, tổng đàn gia súc của huyện đạt 64.150 con, sản lượng thịt đạt 6.789 tấn.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng khai thác tự nhiên kết hợp tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là phát triển các mô hình nuôi cá lồng tại các hồ chứa và lòng hồ thủy điện. Diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2023 dự ước đạt 427 ha, sản lượng 300 tấn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phan Đình Thắm thông tin: Toàn huyện có 16 hợp tác xã nông nghiệp, 7 nông hội, 10 tổ hợp tác, 28 tổ hội nghề nghiệp với 3.082 thành viên. Khi tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác và tổ hội nghề nghiệp, bà con nông dân được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao; được vay vốn để đầu tư sản xuất, bước đầu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể đã mang lại kết quả cả về năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Các cơ quan, đơn vị thuộc ngành nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây-con mới vào sản xuất. Ông Ksor Blí-Chủ tịch UBND xã Ia Dêr-cho hay: Trước đây, người dân canh tác các loại giống lúa thuần, năng suất khoảng 4 tạ/sào. Khi UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình giống lúa chất lượng cao, năng suất ước đạt khoảng 6 tạ/sào. Lúa được tổ hợp tác thu mua với giá 8 ngàn đồng/kg và xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo A Sanh, giá dao động 15-20 ngàn đồng/kg. Tổ hợp tác nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Dêr được thành lập với 42 thành viên đã tích cực tuyên truyền cho người dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao J02. Từ năm 2022 đến nay, xã có 457 hộ tham gia thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao J02.
Phát triển du lịch và thu hút đầu tư
Để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025), huyện Ia Grai đã quan tâm xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, gắn với tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Bà Ksor H’Nga-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: Huyện đã xây dựng, ban hành kế hoạch toàn khóa về thực hiện Nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Công tác phát triển du lịch bước đầu cho kết quả tốt, thu hút nhiều lượt khách đến với các điểm du lịch mới được khám phá. Đồng thời, huyện duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa như cúng rừng, cúng giọt nước, mừng lúa mới, đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, lễ hội cồng chiêng; tôn tạo, xây dựng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé, Bến đò A Sanh; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch của huyện trong những năm tới.
Toàn huyện hiện có 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, 13 cơ sở lưu trú, hơn 20 điểm du lịch. Hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều khởi sắc. Việc tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, thể thao đã góp phần thu hút đông đảo du khách đến với địa phương. Từ năm 2021 đến nay, huyện thu hút trên 18.200 lượt khách tham quan, doanh thu du lịch đạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, huyện có 12 dự án kêu gọi đầu tư đã được tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư, trong đó, 2 dự án đã có nhà đầu tư. Ngoài ra, huyện đang rà soát đăng ký bổ sung 12 dự án thu hút, kêu gọi đầu tư khác trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng được huyện tích cực triển khai là cải cách hành chính để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chỉ số cải cách hành chính của huyện năm 2022 được tỉnh xếp hạng đứng đầu trong 17 huyện, thị xã, thành phố.
Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Quý cho biết: “Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh; chú trọng làm tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn huyện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện”.