Ia Mơr tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) từng bước ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Vừa trở về từ TP. Hồ Chí Minh, anh Kpuih Mlai (làng Klăh) phấn khởi cho hay: “Mình đi mua máy cày để về phục vụ sản xuất. Nếu người dân trong làng có nhu cầu thì mình đi cày thuê, kiếm thêm thu nhập”. Gia đình anh Mlai là một trong những hộ tiên phong đưa cây hồ tiêu về trồng trên đất Ia Mơr và hiện là hộ có mức thu nhập khá của xã. Chị Kpă Lon (vợ anh Mlai) kể: Anh chị kết hôn năm 2003 nhưng vì gia đình hai bên đều khó khăn nên ngày dọn ra ở riêng, vợ chồng chị không mang theo gì. Sau vài năm tích góp, anh chị mua được hơn 1 ha đất với giá 10 triệu đồng và bắt tay vào trồng mì, bắp, rồi nuôi thêm bò. Tiền bán nông sản hàng năm, anh chị dành dụm để mua thêm đất hoặc bò sinh sản. Nhờ đó, đến nay, vợ chồng chị đã có 4 ha đất sản xuất.

Chị Kpă Lon (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: A.H

Chị Kpă Lon (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: A.H

Sau vài năm trồng mì, bắp, gia đình anh quyết định chuyển sang các loại cây trồng khác. Chị Kpă Lon lý giải: “1 ha đất nếu trồng mì thì thu khoảng 35-40 triệu đồng/năm nhưng tốn nhiều công. Còn trồng đậu vẫn cho thu nhập tương tự nhưng thời gian ngắn, ít tốn công chăm sóc và đất không bị bạc màu”. Vài năm trở lại đây, việc thuê nhân công thời vụ khó nên anh chị chỉ giữ lại 1 ha đất trồng đậu, còn lại chuyển sang trồng 2,5 ha điều và 700 trụ hồ tiêu. Đồng thời, anh mở thêm cửa hàng bán tạp hóa.

Khi thấy gia đình anh Mlai dựng trụ trồng hồ tiêu, người dân trong vùng ra sức can ngăn vì cho rằng đất biên giới Ia Mơr không phù hợp với loại cây trồng này. Nhưng với niềm tin chỉ cần đủ nước, cây hồ tiêu sẽ phát triển tốt, anh chị vẫn quyết tâm trồng 300 trụ gần suối Ia Mơr. Khi cây hồ tiêu bắt đầu bén rễ, anh chị mua lưới về phủ phía trên để hạn chế nắng mưa, đồng thời đầu tư lắp hệ thống ống tưới vào từng gốc. “Năm đầu tiên, mình thu được 5 tạ hồ tiêu, bán với giá 47 ngàn đồng/kg. Năm thứ 2, mình thu được 6 tạ nhưng giá giảm còn có 37 ngàn đồng/kg. Còn 400 trụ hồ tiêu trồng sau, dự kiến cuối năm nay sẽ cho thu hoạch bói”-chị Kpă Lon nói.

Thay vì chỉ trông vào cây điều và cây mì, gia đình bà Siu Bia (làng Klăh) cũng mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi bò. Bà cho biết, gia đình có 4 ha đất sản xuất, trong đó có 2 ha điều, 1 ha mì, còn lại trồng lúa 1 vụ. Bình quân mỗi năm, gia đình bà thu hơn 100 triệu đồng. Thời gian trước, gia đình bà chỉ nuôi vài con bò vì không có người chăn thả. Hiện nay, gia đình đã tăng đàn và liên kết với một số hộ chăn nuôi trong làng để phân chia thời gian chăn thả. Theo bà Siu Bia, nuôi bò nhàn hơn so với trồng trọt mà hiệu quả kinh tế cũng khá cao. Mỗi năm, đàn bò đẻ 8 con bê, sau vài tháng có thể bán với giá 4-5 triệu đồng/con. “Năm vừa rồi, mình đã bán bớt 15 con bò để xây nhà mới, sửa lại hàng rào. Hiện tại, đàn bò còn hơn 20 con”-bà Siu Bia nói.

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân chăn nuôi bò. Ảnh: Anh Huy

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân chăn nuôi bò. Ảnh: Anh Huy

Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho hay: Cây mì, bắp, lúa vẫn chiếm diện tích lớn trên địa bàn xã. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu, cây ăn quả... cũng đã được chú trọng phát triển. Cụ thể, toàn xã hiện có hơn 62 ha cây thực phẩm (đậu, dưa hấu, rau, chanh dây); 50 ha mía; 517 ha cao su, hồ tiêu, cà phê; hơn 12 ha cây dược liệu, cây ăn quả... Đặc biệt, người dân đã chú trọng đến việc chăn nuôi bò với quy mô lớn. Đến nay, đàn bò của xã có trên 1.600 con, riêng làng Klăh có số lượng nhiều nhất với hơn 700 con. Phó Chủ tịch UBND xã cũng cho rằng, nhờ mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, người dân đã từng bước cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14,5 triệu đồng, tăng 3,7% so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,25%, số hộ khá giả ngày một tăng. Theo thống kê, toàn xã hiện có trên 50 hộ có mức thu nhập bình quân hàng năm 100-200 triệu đồng. Có thể so với nhiều địa phương khác mức thu nhập này không cao, song ở vùng biên giới khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, nước sinh hoạt và nước sản xuất khan hiếm thì đó là nỗ lực không nhỏ.

ANH HUY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202005/ia-mor-tich-cuc-chuyen-doi-cay-trong-vat-nuoi-5681999/