Ia Rbol chung tay xây dựng làng nông thôn mới
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, xã có 2 làng đạt chuẩn NTM và phấn đấu năm 2023 có thêm buôn Rưng Ma Nin đạt chuẩn NTM.
Huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, năm 2019, xã Ia Rbol đề ra kế hoạch xây dựng buôn Sar và buôn Rưng Ma Rai đạt chuẩn NTM. Trải qua thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, năm 2023, xã tiếp tục phấn đấu xây dựng buôn Rưng Ma Nin đạt chuẩn NTM theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy.
Ông Trần Trọng Kim-Chủ tịch UBND xã Rbol-cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch, UBND xã đã chỉ đạo tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ buôn Rưng Ma Nin; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phụ trách từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch cụ thể với phương châm tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, vừa phát huy nội lực từ người dân, vừa tranh thủ sự giúp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhằm đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo kết quả rà soát năm 2022, buôn Rưng Ma Nin còn 11 hộ nghèo, chiếm 5,47% và 18 hộ cận nghèo, chiếm 9% số hộ. Trong đó, gia đình bà Nay H'Jri là hộ duy nhất của buôn còn khó khăn về nhà ở. Với mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối hợp với BIDV Phố Núi hỗ trợ gia đình bà H'Jri xây dựng căn nhà tình nghĩa rộng 40 m2 với tổng kinh phí 50 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí xây dựng, Mặt trận và các đoàn thể xã huy động nhân lực giúp đỡ gia đình hàng chục ngày công lao động.
Bà H'Jri chia sẻ: “Là mẹ đơn thân lại nuôi con nhỏ nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Được BIDV Phố Núi và chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, tôi mừng lắm. Từ nay tôi sẽ cố gắng làm ăn phát triển kinh tế gia đình”. Năm 2023, gia đình bà H'Jri đăng ký thoát nghèo.
Niềm vui cũng đến với chị Ksor H'Đa khi giữa tháng 5 vừa qua, gia đình được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trao tặng 1 con bò sinh sản trị giá 20 triệu đồng làm sinh kế. Cùng thời điểm, chị Ksor H'Đa được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ khuyết tật tự lực vươn lên trong cuộc sống”. Câu lạc bộ gồm 10 thành viên là những phụ nữ khuyết tật ở thị xã Ayun Pa. Định kỳ Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt 2 lần/năm để phổ biến chính sách về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ cấp xã hội, những quy định của Luật Người khuyết tật cũng như chia sẻ kinh nghiệm vươn lên trong cuộc sống, tạo môi trường cho chị em tự tin hòa nhập cộng đồng.
Chị H'Đa bộc bạch “Khuyết tật về mắt khiến mọi sinh hoạt thường ngày của tôi gặp nhiều khó khăn. Được Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh hỗ trợ bò sinh sản, tôi sẽ cố gắng chăm sóc, phát triển đàn vật nuôi, vươn lên thoát nghèo để làm gương cho các chị em khác”.
Trong số các tiêu chí xây dựng làng NTM, buôn Rưng Ma Nin có 1 tiêu chí khó thực hiện là tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đầu năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia BHYT của buôn mới đạt 61,93%. Để đạt trên 90% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2023, xã tiến hành rà soát hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong số 207 hộ với 933 khẩu cần tham gia có 72 hộ có thành viên đang làm công nhân tại các doanh nghiệp. Đây là những trường hợp có khả năng tự mua BHYT cho bản thân và những người thân trong gia đình. Đối với số đối tượng còn lại, xã giao cán bộ, đảng viên, Mặt trận và các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn vận động bà con tiết kiệm kinh phí để tham gia BHYT. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân tham gia BHYT của buôn đã đạt 90,35%.
Buôn làng khởi sắc
Phấn khởi trước những kết quả đạt được từ chương trình xây dựng NTM, ông Nay Nhơn-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Rưng Ma Nin-cho hay: Được sự đầu tư của Nhà nước, sự chung sức đồng lòng của người dân, bộ mặt buôn làng đã khang trang hơn trước rất nhiều. Từ năm 2022 đến nay, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 63,9 triệu đồng sửa chữa nhà văn hóa; nâng cấp 3 tuyến đường với tổng chiều dài 700 m với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng; đầu tư 1,5 tỷ đồng tu bổ và làm mới 1,775 km kênh mương nội đồng…
Nhờ đó, 100% đường trục thôn, nội thôn đã được bê tông hóa; 75% đường nội đồng được cứng hóa tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Buôn không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% hộ gia đình được sử dụng điện an toàn; 100% hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Địa bàn buôn đã được phủ sóng điện thoại và có thể truy cập internet; cụm loa truyền thanh không dây tiếp sóng từ Đài truyền thanh-truyền hình thị xã Ayun Pa, Đài truyền thanh xã Ia Rbol đảm bảo người dân được tiếp nhận thông tin đầy đủ hàng ngày.
Cũng theo ông Nhơn, thay đổi lớn nhất trong quá trình xây dựng làng NTM là nhận thức của người dân. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, bà con nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong thực hiện chương trình, từ đó không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đóng góp của cải, công sức để xây dựng các công trình; tự giác xây nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; đồng thời tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Hiện buôn có khoảng 70 người dân trong độ tuổi lao động đi làm công nhân trong các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam; hơn 70% số hộ dân đã có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi đảm bảo các quy định về môi trường đạt 73,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,3 triệu đồng/năm.
Được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM nên người dân rất phấn khởi. Chị Ksor H'Oanh chia sẻ: Nếu như trước đây, đường đi khu sản xuất rất lầy lội khiến việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn thì nay các tuyến đường đều được bê tông kiên cố, bà con đi lại thuận tiện, nông sản thu hoạch không bị thương lái ép giá. Vụ mùa này, gia đình tôi mới thu hoạch 5 sào lúa Đài Thơm 8, thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 6.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 2 triệu đồng/sào.
“Từ nguồn vốn tích lũy được, tôi đã xây nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh trị giá 17 triệu đồng. Các thành viên trong gia đình ai cũng phấn khởi, từng bước thay đổi thói quen trong sinh hoạt. Tranh thủ lúc nông nhàn, chị em trong chi hội phụ nữ buôn rủ nhau trồng hoa, làm hàng rào xanh. Hiện con đường trục thôn luôn rực rỡ hoa chuông vàng, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khang trang”-chị H'Oanh bộc bạch.
Theo bà Phạm Thị Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rbol, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, chương trình xây dựng NTM tại xã đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2018, xã về đích NTM sớm hơn 2 năm so với nghị quyết; năm 2019, xã phấn đấu có 1 làng đạt chuẩn NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng kết quả đạt được 2 làng.
Phát huy kết quả đạt được, đến thời điểm này buôn Rưng Ma Nin đã đạt 19/19 tiêu chí trong xây dựng làng NTM, sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Thuận lợi nhất của buôn là có số lượng đảng viên cư trú cao nhất trong xã với 52 đảng viên, chi bộ buôn có 28 đảng viên. Đây là lực lượng đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, huy động sức mạnh nội lực, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân. Nhờ vậy, từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã chuyển dần sang chủ động, tự giác tham gia tích cực vào chương trình xây dựng làng NTM.
Thời gian tới, xã tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nâng cao tại xã, hướng đến mục tiêu xây dựng đời sống người dân sung túc, hạ tầng kinh tế-xã hội khang trang, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.